Vĩ mô

Tín dụng xanh tăng tốc chóng mặt: Tăng trưởng trung bình 21%/năm, gấp đôi tín dụng truyền thống

Minh Anh 21/05/2025 - 14:33

Tín dụng xanh ở Việt Nam đang "lên ngôi" khi tăng bình quân hơn 21% mỗi năm từ 2017 đến 2024, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của ngành ngân hàng. Đến tháng 3/2025, 57 TCTD đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường, xã hội, với tổng dư nợ xanh đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với năm 2017.

Tại Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030”, sáng 21/5, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Tính đến tháng 3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ xanh, tăng gần 4 lần so với năm 2017 (15 TCTD).

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Điều này cho thấy tín dụng xanh không còn là khái niệm mới lạ mà đã trở thành một hướng đi chiến lược được nhiều ngân hàng tích cực theo đuổi.

Sự phát triển về lượng đi cùng với cải thiện rõ rệt về chất. Đã có 57 TCTD triển khai đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, với tổng dư nợ được đánh giá đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với năm 2017.

Nhiều ngân hàng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh, tích hợp tiêu chí tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh, đồng thời công bố báo cáo phát triển bền vững, gia tăng tính minh bạch, giải trình và khẳng định vị thế trên thị trường tài chính – tín dụng quốc tế.

Tín dụng xanh tăng tốc chóng mặt: Tăng trưởng trung bình 21%/năm, gấp đôi tín dụng truyền thống

Phó Thống đốc thông tin: Đã có 57 tổ chức tín dụng triển khai đánh giá rủi ro môi trường – xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, với tổng dư nợ được đánh giá đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gấp hơn 15 lần so với năm 2017. Ảnh: TBNH

>>> Chuyên gia FulfillPlus: Muốn 'mở khóa' thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt phải hiểu luật, giữ chuẩn và đi cùng đối tác bản địa

Theo ông Đào Minh Tú, NHNN đã sớm vào cuộc từ năm 2015 khi ban hành các chỉ thị lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động tín dụng. Đặc biệt, năm 2023, NHNN ban hành Kế hoạch hành động của toàn ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021–2030, với 7 nhóm nhiệm vụ toàn diện từ nhận thức, thể chế, đến tăng cường năng lực thực thi cho các TCTD và các đơn vị trực thuộc NHNN.

Song hành cùng đó là hợp tác quốc tế từ GIZ (Đức), IFC và SECO (Thụy Sĩ), giúp nâng cao kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng công cụ đánh giá rủi ro môi trường – xã hội, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính xanh toàn cầu cho các ngân hàng trong nước.

Tại Tọa đàm, NHNN cũng chính thức công bố Sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro về môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng – một tài liệu có tính thực tiễn cao, được phối hợp xây dựng cùng IFC. Tài liệu này cung cấp hướng dẫn chi tiết, linh hoạt theo từng loại hình tổ chức và khoản vay, nhằm giúp các TCTD xây dựng quy trình kiểm soát rủi ro hiệu quả và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.

“Đây là công cụ cầm tay chỉ việc giúp các ngân hàng không chỉ nhận diện và phòng ngừa rủi ro, mà còn là chìa khóa để mở rộng tín dụng xanh một cách bài bản, minh bạch và bền vững”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng, Phó Thống đốc cũng không ngần ngại chỉ ra những rào cản then chốt đang kìm hãm sự bứt phá của tín dụng xanh tại Việt Nam.

Đó là sự thiếu vắng một khung pháp lý hoàn chỉnh và danh mục xanh thống nhất, khiến các ngân hàng gặp khó trong việc phân loại và đánh giá dự án. Công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, trong khi nhiều dự án xanh lại mang đặc thù thời gian hoàn vốn kéo dài và hiệu quả tài chính chưa được minh bạch rõ ràng.

Thêm vào đó, nguồn lực tài chính xanh từ quốc tế vẫn chưa được khai thác tối đa, đồng thời thiếu hụt đội ngũ nhân sự chuyên sâu về môi trường, xã hội và khí hậu trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Để vượt qua những thách thức này, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành ngân hàng, các bộ ngành và sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ cộng đồng quốc tế. Đây không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là sứ mệnh bắt buộc để tạo dựng nền tài chính bền vững, góp phần hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

>>>Vùng đất giáp ranh TP.HCM, gần 500.000 dân, giá nhà chỉ từ 31 triệu/m²: Cơ hội cuối cùng trước cú hích đại đô thị?

Phó Thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,6% tổng dư nợ tín dụng, còn nhiều dư địa phát triển

Chủ tịch BIDV: Dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng đạt trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 12% toàn ngành

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tin-dung-xanh-tang-toc-chong-mat-tang-truong-trung-binh-21nam-gap-doi-tin-dung-truyen-thong-290410.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Tín dụng xanh tăng tốc chóng mặt: Tăng trưởng trung bình 21%/năm, gấp đôi tín dụng truyền thống
    POWERED BY ONECMS & INTECH