Tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam sẽ 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương hướng tới phát triển kinh tế đảo xanh, tuần hoàn
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương ven biển phát triển kinh tế đảo theo hướng xanh, tuần hoàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh biển đảo trong bối cảnh mới.
Theo Báo Lao Động, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 37 của Chính phủ về Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế biển theo hướng xanh, bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng yếu trong quy hoạch không gian biển quốc gia.

Đồng thời, Khánh Hòa sẽ chủ động thực hiện các phần việc thuộc thẩm quyền địa phương, bao gồm hoàn thiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng ven biển, bảo tồn biển, sử dụng hiệu quả đất ven biển, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ biển.
Trong lĩnh vực kinh tế biển, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 231/QĐ-TTg.
Đây được xem là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản, gắn với mục tiêu phát triển tuần hoàn, giảm phát thải và bảo vệ môi trường biển.
Song song đó, Khánh Hòa đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hướng tới xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững, có khả năng hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Ở lĩnh vực văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích các cấp; đồng thời đề xuất đưa các di sản văn hóa phi vật thể biển, đảo vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia và quốc tế. Đây là giải pháp nhằm gìn giữ giá trị truyền thống, củng cố bản sắc văn hóa gắn với biển đảo.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương ven biển phát triển kinh tế đảo theo hướng xanh, tuần hoàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo đảm quốc phòng - an ninh biển đảo trong bối cảnh mới.
Kế hoạch lần này được kỳ vọng sẽ là cơ sở quan trọng để Khánh Hòa triển khai hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển theo định hướng quốc gia, phát huy tiềm năng biển đảo và chủ động thích ứng trước những thách thức môi trường, địa chính trị đang nổi lên.
Được biết, theo tờ trình, căn cứ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII và Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa được sáp nhập thành một tỉnh mới có tên gọi là Khánh Hòa. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Dự kiến sau khi sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích tự nhiên khoảng 8.555,9km2 và dân số gần 1,9 triệu người, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về quy mô để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định hiện hành.
Khánh Hòa là địa phương sở hữu đường bờ biển dài nhất Việt Nam (385km), với nhiều cửa lạch, vịnh, đầm phá và các điểm du lịch biển nổi tiếng như Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh.
Ngoài ra, nơi đây cũng sở hữu nhiều hệ thống đảo phong phú, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch biển, dịch vụ cảng biển và kinh tế hàng hải.
Theo như quyết định 759/QĐ-TTg, Thủ tướng vẫn giữ định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập đối với các tỉnh đã được định hướng trước đó.
Trong đó, 4 tỉnh gồm Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Ninh Bình sau sáp nhập vẫn sẽ tiếp tục được định hướng để "cất cánh" lên TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
Kể từ nay, để biết đất có bị dính quy hoạch hay không người dân phải làm thế nào?
Quy hoạch chi tiết, xác định vùng ưu tiên siêu cảng nước sâu hơn 61.000 tỷ tại vùng cửa ngõ ĐBSCL