Tỉnh có nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam lên kế hoạch đấu giá 6 mỏ khoáng sản
Tỉnh thành này sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác tại 6 khu vực mỏ chưa qua thăm dò.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2184 về phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong đợt 2 năm 2024.
Mục tiêu của kế hoạch đấu giá là khai thác và sử dụng khoáng sản một cách hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Điều này không chỉ giúp tăng nguồn thu ngân sách, mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản cho các công trình xây dựng trọng điểm, đặc biệt là tại khu vực TP. Hà Tĩnh và vùng phụ cận.
Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác tại 6 khu vực mỏ chưa qua thăm dò. Cụ thể:
4 khu vực mỏ đất san lấp có tổng diện tích 45,48ha, gồm: Mỏ đất san lấp Thạch Xuân 1, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (16ha); mỏ đất san lấp Hà Linh 1, xã Hà Linh, huyện Hương Khê (16ha); mỏ đất san lấp Phú Lộc 1, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (3,48ha); mỏ đất san lấp Phú Lộc 4, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (10ha).
2 khu vực mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 33,33ha, gồm: Mỏ đá xây dựng khu vực khe Chợ, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (15ha); mỏ đá xây dựng núi Nắp Trình, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn (18,33ha).
Yêu cầu đối với các khu vực mỏ đất san lấp là phải khai thác tối đa đến năm 2030. Đối với mỏ đá xây dựng, công suất khai thác tối thiểu phải đạt 250.000 m3/mỏ/năm, với thời gian cấp phép tối đa không quá 12 năm. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành để xác định giá khởi điểm, tiền đặt trước và lập phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã điều tra khảo sát 121 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích 6.193ha, bao gồm: 31 khu vực đá xây dựng, 23 khu vực sét gạch ngói, 31 khu vực cát xây dựng, 36 khu vực đất san lấp.
Hầu hết các mỏ đều nằm lộ thiên và gần các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thuận tiện cho việc khai thác và vận chuyển.
Với sự quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước đưa ngành khai thác khoáng sản vào nền nếp, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách và phát triển các công trình trọng điểm. Trong tương lai, khoáng sản sẽ tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài khoáng sản, Hà Tĩnh còn là nơi đặt Trung tâm điện lực Vũng Áng, một trong những trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước với 5 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất lên đến 6.300MW. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện năng cho toàn quốc, đồng thời là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế của tỉnh.
>> 'Tiểu Paris' của Việt Nam sẽ trở thành đô thị du lịch quốc gia
Lô đất ở xã giá khởi điểm gần 10 tỉ đồng vừa thông báo đấu giá đã tạm dừng
Vì sao tạm dừng đấu giá lô đất nông thôn có mức khởi điểm gần 10 tỷ đồng?