Tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo Quốc lộ 1A đón chuyến bay đầu tiên, tương lai sẽ trở thành 'thiên đường du lịch'
Sân bay mới đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội - du lịch của tỉnh miền Trung này.
Sáng 17/7, sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã đón chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau gần 1 giờ bay, với 4 lần cất, hạ cánh, các phi công hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về hạ cánh an toàn tuyệt đối, kết thúc những chuyến bay đầu tiên tại sân bay Phan Thiết.
Được biết, sân bay Phan Thiết nằm trên địa bàn xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết có tổng diện tích hơn 542ha, được quy hoạch là sân bay lưỡng dụng (dùng chung cho cả mục đích dân sự và quân sự).
Sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch từ năm 2013. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.
Sau đó, sân bay được điều chỉnh từ cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400m, công suất khai thác 500.000 hành khách/năm lên thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Công trình được khởi công đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được tái khởi động. Việc nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên 4E đã tăng tổng mức đầu tư lên hơn 3.800 tỷ đồng nên phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Do đó, tỉnh Bình Thuận phải đàm phán, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông ở hạng mục hàng không dân dụng và lựa chọn nhà đầu tư thay thế.
Theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng với sân bay Phan Thiết, hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông khác kết nối liên vùng cũng được tiến hành, điển hình như tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đường giao thông ở Bình Thuận thời gian qua được đầu tư rất hoàn chỉnh, đã hình thành tứ giác phát triển giữa Nha Trang - Phan Thiết - Đà Lạt - TP. HCM. Nếu tiến độ hoàn thành sân bay Phan Thiết sớm, Bình Thuận sẽ là "thiên đường nghỉ dưỡng" của du khách và các nhà đầu tư hạ tầng.
Bình Thuận là một tỉnh nằm tại cực Nam Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên khoảng 7.992km2.
Đây là tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo đường Quốc lộ 1A với chiều dài là 178,5km. Mặc dù không có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng chiều dài của tỉnh này là rất đáng kinh ngạc. Bình Thuận cũng là một trong năm tỉnh thành có đường bờ biển dài nhất Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, Bình Thuận hiện có đầy đủ loại hình giao thông, từ đường bộ, đường sắt, tuyến hàng hải và sắp tới sẽ là hàng không. Vì vậy, sân bay Phan Thiết đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội - du lịch.
Bình Thuận như một Việt Nam thu nhỏ có đủ "rừng vàng, biển bạc", khí hậu dễ chịu nhất là những vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng khí hậu quanh năm mát mẻ cũng là một lợi thế. Ngoài biển ra, Bình Thuận vẫn còn nhiều vẻ đẹp mà du khách chưa được khám phá hết.