Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có KCN công nghệ cao 470ha, 29.000 người nhận cơ hội lớn
Khu công nghiệp (KCN) này được kỳ vọng trở thành "nam châm" thu hút dòng vốn FDI vào khu vực phía Nam tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 1476/QĐ-UBND, phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp (KCN) Lưu Bình tại huyện Quảng Xương, với quy mô gần 470ha. Đây là bước đi chiến lược nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của tỉnh trong thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đồ án, KCN Lưu Bình sẽ hình thành trên địa bàn các xã Quảng Bình, Quảng Lưu, Quảng Lộc và Quảng Nhân – khu vực có vị trí địa lý thuận lợi, gần trục giao thông chính và cách Khu kinh tế Nghi Sơn không xa. Ranh giới quy hoạch được xác định: phía Bắc giáp xã Quảng Nhân, phía Nam giáp xã Tiên Trang, phía Đông giáp kênh Bắc và khu dân cư hiện hữu, phía Tây giáp cụm công nghiệp Cống Trúc và khu du lịch Farmstay trong quy hoạch.
> > Dự kiến 4 tháng nữa, 20km cao tốc kết nối các tỉnh thành giàu có của Đông Nam Bộ sẽ thông xe

KCN được định hướng trở thành trung tâm sản xuất hiện đại, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, lắp ráp linh kiện và thiết bị kỹ thuật số,quy mô sử dụng lao động dự kiến khoảng 29.000 người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía nam tỉnh Thanh Hóa...
Việc phát triển hạ tầng sẽ được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn:Giai đoạn 1 có quy mô 161,3ha; giai đoạn 2 là 140,57ha và giai đoạn 3 là 141,9ha.
Hệ thống giao thông nội khu được thiết kế khép kín, mặt cắt đường rộng từ 20,5 đến 37m, đủ điều kiện bố trí đồng bộ hạ tầng kỹ thuật ngầm. Khu vực nhà máy – xí nghiệp được quy hoạch linh hoạt theo mô hình ghép lô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngay tại cổng chính sẽ bố trí khu hành chính và dịch vụ công cộng, bao gồm trung tâm điều hành, nhà lưu trú chuyên gia – kỹ sư, trung tâm văn hóa, PCCC và khu trưng bày sản phẩm. Cụm hạ tầng kỹ thuật – như trạm điện và trạm xử lý nước thải – được đặt tập trung tại phía Tây Nam, đảm bảo phục vụ vận hành bền vững.
Đáng chú ý, đồ án quy hoạch cũng dành quỹ đất 18,65ha xây dựng khu nhà ở cho công nhân và khu tái định cư, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 người – tương đương 50% tổng số lao động của toàn KCN.
Việc hình thành KCN Lưu Bình không chỉ nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa (Quyết định 153/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và quy hoạch vùng huyện Quảng Xương (các Quyết định 5445 và 2438 của UBND tỉnh), mà còn kỳ vọng trở thành "nam châm" thu hút dòng vốn FDI vào khu vực phía Nam tỉnh Thanh Hóa. KCN này sẽ đóng vai trò liên kết chặt chẽ với Khu kinh tế Nghi Sơn – đầu tàu công nghiệp phía Nam của tỉnh – qua hệ thống hạ tầng kết nối hiệu quả.
Theo định hướng phát triển công nghiệp được tỉnh Thanh Hóa công bố, đến năm 2030, Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – năng lượng – chế biến chế tạo lớn của cả nước, với trọng tâm là khu vực ven biển. Việc quy hoạch KCN Lưu Bình được xem là bước đi quan trọng để hiện thực hóa khát vọng này.
Khu kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam sắp có hai khu công nghiệp hơn 5.000ha
Tỉnh giàu nhất Việt Nam hình thành ‘siêu khu công nghiệp’ rộng gấp 6 lần quận Hoàn Kiếm