Tỉnh đông dân thứ 3: Có cảng nước sâu, sân bay và 2,2 triệu lao động trong độ tuổi vàng

18-02-2024 14:17|Trâm Anh

Đây là tỉnh có dân số đông đứng thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với trên 3,7 triệu dân.

Thanh Hóa là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam, sau thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; lực lượng lao động khoảng 2,26 triệu người trong độ tuổi vàng, trình độ văn hóa, chuyên môn tương đối cao phù hợp nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh.

Thanh Hóa là một trong rất ít tỉnh của cả nước có đủ các vùng sinh thái, đó là trung du miền núi, đồng bằng và ven biển; có nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản đa dạng và phong phú, thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là công nghiệp xi-măng, vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và các ngành công nghiệp gắn với cảng nước sâu.

>> Một tỉnh miền Trung thu hút hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023

Dải ven bờ biển Thanh Hóa có diện tích bãi triều trên 8.000ha (chưa tính bãi triều 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi năm bồi tăng thêm từ 10-50m) là nguồn tài nguyên lớn về nuôi trồng thủy sản nước lợ như tôm sú, tôm he, cua và rong câu...

Diện tích nước mặn khoảng trên 5.000ha, phân bố chủ yếu ở vùng đảo Mê, Biện Sơn có thể nuôi cá song, cá cam, trai ngọc, tôm hùm dưới hình thức nuôi lồng bè. Ngoài ra với hàng ngàn hecta vùng nước mặn ven bờ, thuận lợi nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, sò, ngán...

Một góc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Một góc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Về hạ tầng giao thông đến nay các công trình đã phát triển tương đối đồng bộ, nhất là các tuyến đường giao thông phát triển, kết nối các vùng miền trong tỉnh, kết nối Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các khu du lịch... đồng thời, kết nối với các tỉnh, với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong đó, phải kể đến tuyến đường sắt Bắc - Nam; các tuyến đường giao thông như đường Hồ Chí Minh; các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A; đường từ cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn, đường Bãi Trành-Nghi Sơn (nối đường Hồ Chí Minh với Khu Kinh tế Nghi Sơn), đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh...

Thanh Hoá có vị trí chiến lược giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc.

Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, hiện đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước; có cửa khẩu Na Mèo liên thông với nước bạn Lào và các nước ASEAN.

>> Một tỉnh miền Trung lọt TOP 15 cả nước về tăng trưởng kinh tế

Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam đang được vận hành với cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước. Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ USD, đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 12/2018; các dự án Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, ximăng, bến cảng, sản xuất dầu ăn...

Ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 8 khu công nghiệp, với diện tích 2.035ha; trong đó, có 5 khu công nghiệp được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ hoặc một phần, đáp ứng yêu cầu về thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...

Ngoài ra, trên cơ sở khai thác lợi thế của cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa đang tập trung xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp Lam Sơn-Sao Vàng, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 6.000ha và cùng với khu kinh tế Nghi Sơn, trong tương lai sẽ trở thành những khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 khoảng 158.831 tỷ đồng.

Mục tiêu của Chương trình nhằm phát triển đô thị Thanh Hóa (bao gồm thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn), hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I.

Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang xem xét chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 nhánh Đông.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm góp phần quan trọng trong việc phân luồng giao thông, giảm tải lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao trên quốc lộ 1 qua các trung tâm thành phố Thanh Hóa, huyện Quảng Xương và mở rộng không gian phát triển các đô thị.

>> Một tỉnh miền Trung bất ngờ trở thành 'cứ điểm' của nhiều tập đoàn lớn

Một tỉnh miền Trung lọt TOP 15 cả nước về tăng trưởng kinh tế

Một tỉnh miền Trung thu hút hơn 1,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-dong-dan-thu-3-co-cang-nuoc-sau-san-bay-va-22-trieu-lao-dong-trong-do-tuoi-vang-223285.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh đông dân thứ 3: Có cảng nước sâu, sân bay và 2,2 triệu lao động trong độ tuổi vàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH