Xã hội

Tỉnh duy nhất miền Trung chưa từng chia tách hay sáp nhập dẫn đầu cả nước nhờ sở hữu 'mỏ vàng'

Linh Chi 10/05/2025 14:10

Vùng đất giàu truyền thống và lịch sử lâu đời này từng là trung tâm phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn – một trong những nền văn minh tiêu biểu của người Việt cổ.

Trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5 vừa qua, ngành du lịch Việt Nam vô cùng sôi động. Cả nước phục vụ hơn 10,5 triệu lượt khách, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, Thanh Hóa đứng thứ hai (chỉ sau TP. Hồ Chí Minh) cả nước về doanh thu du lịch và lượng khách, với hơn 4.170 tỷ đồng và khoảng 1,6 triệu lượt. Dịp 30/4 năm ngoái, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về du lịch khi doanh thu ngành này ước đạt 3.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng nằm trong danh sách các tỉnh, thành mà du khách có mức chi tiêu cao dịp 30/4, với trung bình mỗi khách chi tiêu 2,6 triệu đồng, đứng thứ 6 cả nước. Đà Nẵng là điểm đến có mức chi tiêu cao nhất, với 3,98 triệu đồng mỗi lượt khách.

Thanh Hóa có gì mà hấp dẫn đến thế?

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, Thanh Hóa trở thành điểm đến hút khách. Các điểm đến như bãi biển Sầm Sơn, công viên nước… đều đông kín người.

Tỉnh duy nhất miền Trung chưa từng chia tách hay sáp nhập dẫn đầu cả nước nhờ sở hữu 'mỏ vàng' - ảnh 1
Sầm Sơn vào mỗi mùa du lịch luôn là điểm đến được du khách yêu thích và lựa chọn hàng đầu. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Thanh Hóa chỉ cách Hà Nội khoảng 160 km. Du khách có thể dễ dàng lựa chọn di chuyển bằng xe cá nhân hoặc xe khách. Vì thế, khách miền Bắc có thể đến đây dễ dàng bằng phương tiện riêng. Không những thế, du lịch Thanh Hóa đã gắn liền với hình ảnh bãi biển Sầm Sơn và các dịch vụ giá rẻ, phù hợp với những chuyến nghỉ dưỡng tiết kiệm chi phí của các tổ chức, doanh nghiệp trong mùa hè.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến lượng khách đổ về Thanh Hóa tăng mạnh là do giá vé máy bay nội địa leo thang, khiến du khách ưu tiên chọn điểm đến gần. Với vị trí địa lý thuận tiện, nơi đây trở thành lựa chọn lý tưởng của người dân khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Cùng với đó, nhờ thời gian nghỉ kéo dài, thời tiết thuận lợi và hệ thống giao thông thuận tiện. Các tuyến đường trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 10, đường ven biển và các tuyến kết nối khu, điểm du lịch được nâng cấp, giúp việc di chuyển đến địa phương trở nên dễ dàng hơn.

Tỉnh duy nhất miền Trung chưa từng chia tách hay sáp nhập dẫn đầu cả nước nhờ sở hữu 'mỏ vàng' - ảnh 2
Hàng chục nghìn du khách đổ xô đến Quảng trường biển sầm Sơn trong ngày diễn ra Lễ hội Du lịch biển 26/4. Ảnh: Lê Hoàng/Vnexpress.

Về tiềm năng tài nguyên du lịch, Thanh Hóa sở hữu 4 khu du lịch biển nổi tiếng là Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và Tiên Trang. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều điểm đến hấp dẫn như Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương và quảng trường biển. Trong thời gian qua, địa phương liên tục ra mắt các sản phẩm du lịch mới như show nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, lễ hội đường phố, các tour du lịch khám phá rừng hoặc trải nghiệm đảo Mê.

Theo các công ty lữ hành, với những lợi thế hiện có, việc Thanh Hóa trở thành điểm đến đông khách không phải là điều bất ngờ bởi đây là điểm đến du lịch có chi phí hợp lý cùng nhiều điểm không thu vé.

Đặc biệt, nơi đây có nhiều bãi biển sạch đẹp, được đầu tư cải tạo như Sầm Sơn, Hải Tiến, cùng hệ thống lưu trú đa dạng từ bình dân đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng.

Thanh Hóa cũng là tỉnh đông dân thứ ba cả nước (sau TP. HCM và Hà Nội), với hơn 3 triệu người, theo Niên giám thống kê. Lượng khách nội tỉnh lớn này cũng góp phần đáng kể vào tổng lượng du khách đến địa phương trong các kỳ nghỉ lễ.

Bên cạnh đó, suốt chiều dài lịch sử, Thanh Hóa được xem là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến, là "địa bàn căn bản" và "phên dậu" bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Thanh Hóa từng được ví như "quý hương", "thang mộc" của “Tam vua nhị chúa”. Với diện tích lớn, dân số đông và vị trí địa lý mang tính chiến lược, tỉnh Thanh Hóa từ khi được thành lập cho đến nay chưa từng đổi tên hay sáp nhập với bất kỳ tỉnh nào khác. Tên gọi "Thanh Hóa" đã xuất hiện từ khoảng 1.000 năm trước. Vùng đất giàu truyền thống và lịch sử lâu đời này từng là trung tâm phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn – một trong những nền văn minh tiêu biểu của người Việt cổ.

Tỉnh duy nhất miền Trung chưa từng chia tách hay sáp nhập dẫn đầu cả nước nhờ sở hữu 'mỏ vàng' - ảnh 3
Tên gọi "Thanh Hóa" đã xuất hiện từ khoảng 1.000 năm trước. Ảnh minh họa.

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt – nơi sinh ra nhiều vị vua, anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa, góp phần tạo dựng nên lịch sử oai hùng của đất nước. Câu ca dao truyền thống "Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ" phần nào thể hiện rõ nét vai trò và tầm ảnh hưởng của vùng đất này. Cụ thể, Thanh Hóa là quê hương của 44 vị vua thuộc nhiều triều đại khác nhau như: Nhà Tiền Lê (2 vị), Nhà Hồ (2 vị), Nhà Hậu Lê (27 vị) và Nhà Nguyễn (13 vị). Ngoài ra, hai dòng chúa có ảnh hưởng lớn trong lịch sử là Trịnh và Nguyễn cũng đều có nguồn gốc từ mảnh đất này. Điều này cũng giúp Thanh Hóa trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách.

Chính sách, quản lý từ địa phương

Không những sở hữu nhiều lợi thế du lịch, chính quyền cũng luôn sát sao để xử lý những tồn đọng, nhằm xây dựng hình ảnh Thanh Hóa đẹp hơn trong mắt du khách. Trước đây, Thanh Hóa từng nhận về nhiều phản ứng tiêu cực về nạn "chặt chém" du khách. Tuy nhiên, tỉnh đã có nhiều động thái để khắc phục tình trạng này. Hiện tại, giá cả tại các chợ địa phương đã được niêm yết rõ ràng. Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu du lịch của địa phương.

Ngoài ra, lực lượng công an tỉnh cũng kết hợp với các sở, ngành liên quan để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách.

>>Tỉnh rộng nhất Việt Nam thu gần 2.000 tỷ đồng, thắng lớn nhờ bãi biển hot nhất nhì miền Trung

'Mỏ vàng' 840 nghìn tỷ đồng của Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về mức tăng trưởng

‘Mỏ vàng’ giúp tỉnh đông dân nhất Việt Nam thu gần 4.200 tỷ đồng trong 4 ngày

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tinh-duy-nhat-mien-trung-chua-tung-chia-tach-hay-sap-nhap-dan-dau-ca-nuoc-nho-so-huu-mo-vang-142085.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh duy nhất miền Trung chưa từng chia tách hay sáp nhập dẫn đầu cả nước nhờ sở hữu 'mỏ vàng'
    POWERED BY ONECMS & INTECH