Bất động sản

Tỉnh hẹp nhất Việt Nam dự kiến sáp nhập, địa phương mới có hệ thống giao thông phong phú với 2 sân bay, 2 cảng biển, 3 cửa khẩu

Chi Chi 26/04/2025 04:09

Việc sáp nhập 2 địa phương sẽ tạo ra hệ thống giao thông phong phú, tạo cú hích quan trọng trong giao thương và phát triển kinh tế.

Quảng Bình và Quảng Trị là 2 tỉnh có bề ngang hẹp của Việt Nam, trong đó, Quảng Bình là tỉnh hẹp nhất cả nước với bề ngang khu vực hẹp nhất chỉ khoảng 50km. Còn khu vực hẹp nhất của tỉnh Quảng Trị khoảng 70km.

Ngày 23/4 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII, kỳ họp thứ 31, đề nghị xem xét, thông qua chủ trương thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.

Theo phương án, tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất có diện tích 12.699,99km2 (đạt 254% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số là 1.845.335 người (đạt 131,81%); đơn vị hành chính cấp xã là 78 (69 xã, 8 phường, 1 đặc khu); trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất đặt ở tỉnh Quảng Bình.

Tỉnh hẹp nhất Việt Nam dự kiến sáp nhập, địa phương mới có hệ thống giao thông phong phú với 2 sân bay, 2 cảng biển, 3 cửa khẩu- Ảnh 1.
Dự kiến sáp nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Ảnh: Internet

Việc sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ là bước đi về mặt hành chính, mà còn mở ra cơ hội hình thành một đơn vị cấp tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, đồng bộ và hiếm có trong cả nước. Với vị trí chiến lược nằm giữa miền Trung, tiếp giáp nhiều tỉnh thành trọng điểm, tỉnh mới sẽ là điểm kết nối quan trọng trên bản đồ giao thương trong nước và quốc tế.

Về đường bộ, hệ thống giao thông tại tỉnh mới quy tụ đầy đủ các tuyến huyết mạch của quốc gia. Trục Quốc lộ 1A đóng vai trò xương sống Bắc – Nam, đi xuyên suốt địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tuyến đường Hồ Chí Minh cả hai nhánh Đông và Tây tạo điều kiện kết nối nội vùng và mở rộng hành lang sang các tỉnh Tây Nguyên.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn như Vạn Ninh - Cam Lộ, Cam Lộ - La Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ, kỳ vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, thúc đẩy vận tải hàng hóa và mở rộng không gian phát triển. Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ 9, 12 và 15 đóng vai trò then chốt trong kết nối Đông – Tây, dẫn từ các cửa khẩu quốc tế ra cảng biển, hình thành hành lang logistics liên quốc gia đầy tiềm năng.

Tỉnh hẹp nhất Việt Nam dự kiến sáp nhập, địa phương mới có hệ thống giao thông phong phú với 2 sân bay, 2 cảng biển, 3 cửa khẩu- Ảnh 2.
Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ có hệ thống giao thông phong phú. Ảnh minh họa

Một trong những lợi thế nổi bật của tỉnh mới là sự hiện diện của 3 cửa khẩu quốc tế lớn gồm Cha Lo, La Lay và Lao Bảo. Đây đều là những trung tâm xuất nhập khẩu quan trọng, kết nối trực tiếp với Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông. Khi được đồng bộ hóa với mạng lưới đường bộ và cao tốc, các cửa khẩu này không chỉ gia tăng năng lực thông thương mà còn mở ra không gian phát triển kinh tế vùng biên, khu kinh tế cửa khẩu và khu công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, hạ tầng cảng biển cũng là điểm sáng trong bức tranh giao thông của tỉnh mới. Cảng Hòn La (Quảng Bình) hiện đang được nâng cấp với việc xây dựng thêm bốn bến mới, dự kiến đạt công suất 3 triệu tấn/năm vào quý I/2026 và tăng lên 6 triệu tấn/năm vào quý IV/2027. Cảng được quy hoạch đồng bộ, bao gồm hệ thống kho bãi, khu hậu cần và các công trình kỹ thuật hiện đại. Với vị trí nằm trong vịnh kín gió, được che chắn tự nhiên bởi đảo Hòn Cỏ và Hòn La, cảng này có độ sâu lý tưởng, phù hợp tiếp nhận tàu trọng tải lớn.

Song song đó, cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị) là cảng nước sâu đang được xây dựng tại huyện Hải Lăng cũng hứa hẹn trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu mới của khu vực khi đi vào khai thác cuối năm 2025, với khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn.

Hệ thống cảng biển này không chỉ phục vụ vùng ven biển mà còn kết nối trực tiếp với các cửa khẩu quốc tế thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây, hình thành mạng lưới vận tải logistics đa phương thức, phục vụ hiệu quả cho hoạt động trung chuyển hàng hóa từ Lào, Thái Lan, Myanmar ra biển Đông và ngược lại.

Không chỉ mạnh về đường bộ và cảng biển, tỉnh mới sau sáp nhập còn sở hữu các phương thức giao thông trọng yếu khác. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn với nhiều ga lớn như Đồng Hới, Đông Hà giúp vận chuyển hành khách và hàng hóa liên vùng hiệu quả.

Về hàng không, sân bay Đồng Hới đang được khai thác với nhiều đường bay nội địa và có kế hoạch nâng cấp thành sân bay quốc tế, trong khi sân bay Quảng Trị cũng đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Sở hữu đầy đủ cả 5 phương thức giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa, đồng thời có hệ thống cửa khẩu quốc tế quan trọng, tỉnh mới hình thành từ Quảng Bình và Quảng Trị là một trong số ít địa phương có hạ tầng giao thông và logistics liên kết vùng, quốc tế toàn diện của cả nước. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế biển, logistics, công nghiệp, thương mại – dịch vụ và du lịch quy mô lớn, đưa địa phương này trở thành cực tăng trưởng mới tại Bắc Trung Bộ và khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng.

>> Đầu tư tuyến cao tốc nối 22.000 tỷ nối cửa khẩu quốc tế với các trục giao thông vùng ĐBSCL

Kể từ nay, những trường hợp này nên xem xét cập nhật lại thông tin trên sổ đỏ sau sáp nhập

Chi tiết thủ tục đính chính sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh thành trên cả nước

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tinh-hep-nhat-viet-nam-du-kien-sap-nhap-dia-phuong-moi-co-he-thong-giao-thong-phong-phu-voi-2-san-bay-2-cang-bien-3-cua-khau-202250425174400334.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh hẹp nhất Việt Nam dự kiến sáp nhập, địa phương mới có hệ thống giao thông phong phú với 2 sân bay, 2 cảng biển, 3 cửa khẩu
    POWERED BY ONECMS & INTECH