Dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, thế nhưng tỉnh này lại đón nhận được nguồn vốn đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc.
Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam với diện tích chỉ khoảng khoảng 823km2. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế mà cụ thể là công nghiệp nơi đây lại tỷ lệ nghịch với diện tích nhỏ hẹp này. Theo đó, trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước cả về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, chứng kiến con số về kim ngạch xuất khẩu đạt thành tích ấn tượng với hơn 40 tỷ USD, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2005, quy mô GRDP của cả tỉnh Bắc Ninh là khoảng 1.500 tỷ đồng, đến năm 2023, con số này đã tăng lên đến hơn 220.000 tỷ (tăng gấp 146 lần), đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước.
>> Đề xuất xây dựng sân bay dân dụng thứ 3 của Hà Nội, giá đất vùng này dự kiến 'neo cao'
Để có được thành tích này, tỉnh Bắc Ninh đã dành sự quan tâm, đầu tư triệt để cho quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện tại, địa phương chính là "thủ phủ công nghiệp" miền Bắc với rất nhiều cụm công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Yên Phong, Khu công nghiệp Yên Phong II, Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ… Trong đó, Khu công nghiệp Yên Phong sử hữu nhà máy của "ông lớn" Samsung với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, chiếm 49% tổng số vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam.
Sự hiện diện của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh đã giúp địa phương thu hút đầu tư, thu về dòng vốn FDI ấn tượng và biến nơi đây trở thành cứ điểm của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam.
Không chỉ riêng "ông lớn" Samsung, vào tháng 10/2023, tỉnh Bắc Ninh còn đón sự hiện diện của Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor Technology, nhà máy sẽ thực hiện sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Dự án này được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn một là 520 triệu USD và dự kiến tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Việc nhà máy đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đưa tỉnh Bắc Ninh xuất hiện trên bản đồ sản xuất linh kiện bán dẫn của thế giới, góp phần đưa kinh tế của địa phương và cả nước phát triển hơn nữa.
Ngoài các nhà máy, khu công nghiệp kể trên, tỉnh Bắc Ninh còn đang sở hữu nhiều nhà máy, khu công nghiệp lớn khác như Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, một phần Khu công nghiệp VSIP trên địa bàn huyện Tiên Du, thu hút hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Theo quy hoạch, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm 2 thành phố là Tiên Du và Yên Phong. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và tầm nhìn đến năm 2050 thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế, một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới.