Tỉnh ở Việt Nam sở hữu ngôi chùa đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á, địa thế siêu cheo leo, có lối đi chỉ vừa 1 bàn chân người
Toàn bộ ngôi chùa được đúc từ đồng nguyên chất, nằm trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi được làm bằng đồng lớn nhất Châu Á. Chùa cách thị xã Uông Bí, Quảng Ninh 14 km về phía Tây Bắc.
Ảnh: Báo Thanh Niên. |
Chùa Đồng đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, đến ngày 3/6/2006 dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học, Đại Đức Thích Thanh Quyết (Thượng tọa Thích Thanh Quyết) và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng, bằng công đức của du khách, phật tử thập phương trong và ngoài nước đã khởi lễ đúc chùa Đồng theo mẫu thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn – Viện Bảo Tồn Di Tích.
Theo đó, chùa đã được các nghệ nhân nổi tiếng đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định thực hiện, đúc theo nguyên mẫu của chùa Dâu Keo (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Toàn bộ công trình gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện, cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4 kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250 kg.
Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Do vị trí cheo leo, đỉnh núi quanh năm mây mờ che phủ nên chùa được thiết kế đặc biệt với những phương pháp tối ưu nhất để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Các hạng mục công trình khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng, nhà ghi công đức cũng đang được tôn tạo, mở rộng.
Địa thế chùa được dựng mang vóc dáng một đóa sen khổng lồ, trong đó mỗi phiến đá là một cánh sen nở, chùa Đồng tọa lạc giữa đài sen. Địa thế nghiêng sang hai bên, phía Đông triền đá dốc nghiêng, phía Tây dốc đứng thành vực thẳm, lối đi chỉ vừa một bàn chân chênh vênh.
Chùa quay về hướng Tây Nam, có bình đồ kiến trúc hình chữ “nhất”, một gian hai chái, cũng mang dáng như một bông sen nở. Chùa được chế tác hoàn toàn bằng đồng, diện tích gần 20 m2, chiều cao từ nền đến nóc là 3,35 m.
Ảnh: Báo Thanh Niên. |
Chùa có kiến trúc hình khối vuông bốn mái, mái có hình ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng mang phong cách thời Trần. Phần mái của chùa vươn ra bốn phía tạo thành hiên. Ba mặt của chùa là các ván đồng ghép khít lại với nhau tạo thành bức vách. Phần dưới của bức vách có trang trí dải hoa văn hình lá lật. Mặt trước hiên chùa có hành lang, lan can là các chấn song hình thân trúc.
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45 - 0,87m tọa trên đài sen.
Ảnh: Báo Lao Động. |
Trước đây, để lên chùa Đồng chỉ có cách duy nhất là đi bộ, phải vượt qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi trên quãng đường dài khoảng 6km. Nhưng những năm gần đây, Ban quản lý khu danh thắng Yên Tử đã đưa vào sử dụng cáp treo giúp du khách thập phương dễ dàng chinh phục chùa Đồng. Ngồi trên cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn núi non Yên Tử từ trên cao, sau đó tiếp tục đi bộ chinh phục non thiêng Yên Tử.
Ảnh: Báo Dân Trí. |
Năm 2007, chùa Đồng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) ghi nhận là Ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Châu Á tiếp tục xác lập là Ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á. Đây cũng là ngôi chùa được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới, được ví như một "kỳ quan" tại khu danh thắng Yên Tử.