Tỉnh sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM, kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp
Ngoài mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, tỉnh này còn định hướng phát triển ngành logistics thành một lĩnh vực kinh tế chủ chốt.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, Long An sở hữu nhiều tiềm năng phát triển ngành logistics. Trước tiên, cơ sở hạ tầng giao thông ở địa phương này liên tục được nâng cấp và mở rộng. Nhiều dự án trọng điểm liên kết vùng đã và đang được triển khai, chẳng hạn như đường Vành đai TP. Tân An, ĐT 830, ĐT 830E, Vành đai 3 TP. HCM, và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trong thời gian tới, Long An dự kiến mở rộng hơn 50 tuyến đường tỉnh và xây mới 29 tuyến khác, trong đó nhiều tuyến đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng trung chuyển hàng hóa và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm. Một số ví dụ tiêu biểu bao gồm đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, và tuyến Tân Tập - Long Hậu.
Về mặt giao thông đường thủy, Long An được thiên nhiên ưu ái với hai con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, giúp kết nối các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ với biển. Đặc biệt, Cảng Quốc tế Long An đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ, phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên gia kinh tế cho biết, với việc tập trung phát triển hạ tầng, Long An có tiềm năng lớn để trở thành một địa phương đóng vai trò chiến lược trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ trong tương lai.
Long An định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ |
>> Khu công nghệ cao TP. HCM dồn lực đưa 19 dự án bị chậm tiến độ 'về đích' đúng hạn
Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An đặt mục tiêu phát triển ngành logistics thành một lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Tỉnh này hướng tới việc trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và kho bãi, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia. Trong đó, dự án Cảng Quốc tế Long An đóng vai trò quan trọng, giúp giảm áp lực cho các cụm cảng tại TP. HCM và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhờ vào hệ thống kết nối thuận lợi và nhiều chính sách ưu đãi.
Ngoài ra, Long An dự kiến quy hoạch 2 cảng cạn tại Bến Lức và Thủ Thừa, cùng với 10 trung tâm logistics tại các huyện trong tỉnh.
Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills Việt Nam nhận định, Long An có ba yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Thứ nhất, vị trí địa lý của tỉnh mang lại lợi thế lớn cho sự phát triển kinh tế, thương mại và hệ thống logistics. Thứ hai, diện tích lớn (4.492 km²) và quỹ đất trống rộng rãi là điểm mạnh thu hút các nhà đầu tư. Thứ ba, Long An có nhiều cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp.
Theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, Long An đã nỗ lực trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, tỉnh này đang đẩy mạnh phát triển đô thị, cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mặc dù còn gặp nhiều thách thức trong việc phát triển hạ tầng và môi trường kinh doanh, Long An đang sở hữu nhiều cơ hội bứt phá trong tương lai, theo đánh giá của các chuyên gia.
Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Tân An sẽ là đô thị loại I đến năm 2030, là trung tâm chính trị, hành chính, đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh của TP. HCM.
Đồng thời, đây sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, quy hoạch nêu rõ, thành phố Tân An sẽ đảm bảo diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên.
2.400 lao động sẵn lòng theo công ty rời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam
Long An đón loạt dự án tỷ đô từ Hàn Quốc: Từ nhà máy điện gió đến 'thung lũng Pangyo' công nghệ cao