Toà nhà chọc trời cao thứ ba TP. HCM chỉ sau Landmark 81 và Bitexco: Quy mô vốn 5.000 tỷ, thuộc quản lý của Vạn Thịnh Phát, gây nhiều chỉ trích vì ‘làm xấu bộ mặt’ thành phố
Từng được kỳ vọng là một biểu tượng mới của TP. HCM, nhưng tình trạng xuống cấp của tòa nhà đã khiến nhiều người dân không khỏi tiếc nuối.
Dự án Saigon One Tower nằm tại vị trí đắc địa bậc nhất TP. HCM, trên khu “đất vàng” rộng hơn 6.600m2 tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1).
Dự án do CTCP Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư, với sự góp vốn của các cổ đông lớn như: CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng).
Khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower cao 195m với 41 tầng, từng nằm trong top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam và top 3 tại TP. HCM sau Bitexco Financial Tower và Vietcombank Tower (trước khi Landmark 81 xuất hiện).
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2009 nhưng đến năm 2011, công trình đã ngừng thi công dù đã hoàn thiện phần thô, gây nhiều chỉ trích từ lãnh đạo thành phố vì "làm xấu bộ mặt" TP. HCM.
Toàn bộ dự án từng được thế chấp cho khoản vay tín dụng tại MSB và DongA Bank, với tổng nợ cả gốc và lãi đến năm 2017 lên tới hơn 7.000 tỷ đồng. Saigon One Tower sau đó trở thành khoản nợ xấu liên quan đến một vụ án hình sự và bị Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) thu giữ năm 2017.
>> Hàng loạt chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng báo lỗ trong nửa đầu năm 2024
Năm 2018, VAMC tiến hành đấu giá dự án với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng không có người mua. Sau đó, tài sản được bàn giao lại cho ngân hàng xử lý.
Năm 2021, CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land tiếp quản dự án với vai trò đơn vị quản lý và phát triển. Viva Land là thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án được đổi tên thành IFC One Saigon.
Sau khi tiếp quản, Viva Land đã thay toàn bộ lớp kính bên ngoài tòa nhà. Mặc dù có thông tin cho rằng dự án được tái khởi động, thực tế chỉ là việc thay kính nhằm chỉnh trang bên ngoài.
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, công trình đã ngừng thi công nhiều năm, dẫn đến khả năng các khung kính chịu lực kém, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Vì vậy, TP. HCM đã cho phép chủ đầu tư lắp kính mới để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, các hạng mục khác vẫn chưa được phép thi công do dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Số phận của IFC One Saigon vẫn đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tháng 10/2022, một số lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT.
>> 'Ông lớn' Phát Đạt (PDR) trở lại với bất động sản khu công nghiệp