Toà nhà đắc địa bậc nhất TP.HCM được thế chấp để vay gần 30.000 tỷ đồng thế nào?
Saigon Times Square - toà nhà có vị trí đắc địa với hai mặt tiền đường đắt giá bậc nhất TP.HCM đang là tài sản đảm bảo cho các khoản vay hàng chục nghìn tỷ đồng trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Toà nhà đắc địa bậc nhất TP.HCM
Toạ lạc ngay trung tâm sầm uất của Q.1, toà nhà phức hợp thương mại, văn phòng và khách sạn 6 sao Saigon Times Square được xem là biểu tượng của vẻ đẹp hiện đại và sự thịnh vượng của TP.HCM.
Sở hữu hai mặt tiền đường đắc địa bậc nhất TP.HCM, toà nhà Saigon Times Square có quy mô hai toà tháp đôi cao 165m, một toà tháp có địa chỉ số 22-36 Nguyễn Huệ, Q.1 và toà còn lại có địa chỉ số 57-69F Đồng Khởi, Q.1. Hai toà tháp cách nhau khoảng 21m.
Tại toà tháp mặt tiền đường Nguyễn Huệ của Saigon Times Square là The Reverie Saigon - khách sạn 6 sao đầu tiên của Việt Nam. Trên nóc toà tháp khách sạn này còn có bãi đáp máy bay trực thăng. Trong khi đó, toà tháp mặt tiền đường Đồng Khởi là khu căn hộ dịch vụ cao cấp.
Xen lẫn khu khách sạn và khu căn hộ dịch vụ, toà nhà Saigon Times Square còn có khu văn phòng cho thuê, thương mại, nhà hàng và giải trí cao cấp.
Là toà nhà cao cấp tại TP.HCM nhưng Saigon Times Square lại có vai trò quan trọng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan cầm đầu.
Toà nhà Saigon Times Square thuộc sở hữu của Công ty CP Times Square Việt Nam (Công ty Times Square). Ông Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan, là cổ đông chính khi sở hữu 99,26% cổ phần và giữ chức Chủ tịch HĐQT của công ty này.
Năm 2012, khi dự án xây dựng toà nhà Saigon Times Square vẫn chưa hoàn tất, để cơ cấu các khoản nợ xấu sau khi hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng SCB, bà Lan đã bàn bạc với ông Chu Lập Cơ và các lãnh đạo Ngân hàng SCB về việc sử dụng dự án này thế chấp vay tiền.
Cụ thể, bà Lan và những người liên quan muốn sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án toà nhà Saigon Times Square để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng SCB.
Trở thành tài sản thế chấp cho 73 khoản vay
Thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan, ông Chu Lập Cơ đã ký các biên bản họp cổ đông và quyết định của HĐQT Công ty Times Square chấp thuận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định.
Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, bà Lan tiếp tục chỉ đạo nhân viên cấp dưới tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn “khống”, nhờ người đứng tên các khoản vay và ký “khống” hồ sơ vay vốn.
Bằng phương thức trên, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, ông Chu Lập Cơ đã giúp bà Lan hợp thức hoá hồ sơ vay vốn của 73 khoản vay (67 khách hàng) để Ngân hàng SCB giải ngân tổng cộng số tiền 29.441 tỷ đồng. Thời hạn của các khoản vay này là 5 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được bà Lan sử dụng cho mục đích riêng.
Đến năm 2017, các khoản vay đến hạn nhưng không có nguồn tiền trả nợ cho Ngân hàng SCB, bà Lan đã thuyết phục chồng ký biên bản họp HĐQT Công ty Times Square. Nội dung biên bản này là tiếp tục cho phép sử dụng tài sản của công ty để thế chấp, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho 54 khách hàng đang vay tại Ngân hàng SCB. Tổng dư nợ được đảm bảo là 35.541 tỷ đồng.
Tính đến ngày 17/10/2022, nghĩa vụ các khoản nợ do ông Chu Lập Cơ ký hợp thức hoá thủ tục còn 46 khoản vay với tổng dư nợ là 39.217 tỷ đồng, gồm nợ gốc 19.552 tỷ đồng và nợ lãi 19.665 tỷ đồng.
Kết quả giám định, giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay do ông Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức hoá thủ tục vay vốn tại thời điểm tháng 9/2022 là 30.100 tỷ đồng. Đồng nghĩa, ông Chu Lập Cơ đã giúp sức cho bà Lan gây thiệt hại 9.116 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB.
Truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Viện KSND Tối cao xác định ông Chu Lập Cơ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square để giúp sức cho bà Lan gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB.
Theo đó, ông Chu Lập Cơ đã ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông và quyết định của HĐQT Công ty Times Square để thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay, gây thiệt hại 9.116 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB. Quá trình vụ án được điều tra, ông Chu Lập Cơ đã nộp khắc phục hậu quả với số tiền 1 tỷ đồng.
>> Không tiền vẫn mua được dự án, đại gia còn nhận nghìn tỷ từ bà Trương Mỹ Lan
Ngăn chặn giao dịch gần 3.000 bất động sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can Trương Mỹ Lan