Tòa nhà hơn 100 tuổi, nơi Hồ Chủ tịch và Chính phủ làm việc lần đầu mở cửa tham quan, thu hút hàng nghìn du khách
Ngay từ những ngày đầu tiên, Bắc Bộ Phủ đã thu hút hàng nghìn du khách.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, Nhà khách Chính phủ (hay còn gọi là Bắc Bộ Phủ) lần đầu mở cửa đón khách tham quan từ ngày 9 đến 17/11. Ngay từ những ngày đầu tiên, Bắc Bộ Phủ đã thu hút hàng nghìn du khách. Nhiều người không giấu được cảm xúc và niềm tự hào khi chiêm ngưỡng tòa nhà hơn 100 tuổi, gắn liền với những dấu mốc quan trọng của dân tộc.
Bắc Bộ Phủ được xây dựng vào năm 1918, mang đậm phong cách kiến trúc Pháp cổ. Trong thời kỳ Pháp thuộc, tòa nhà được gọi là Phủ thống sứ Bắc Kỳ. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nơi đây được đổi tên thành Phủ khâm sai Bắc Kỳ.
Tòa nhà đã chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Bắc Bộ Phủ trở thành nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số bộ của Chính phủ lâm thời. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điều hành bộ máy Chính phủ, ký nhiều sắc lệnh quan trọng, và là nơi nhận và phát đi những bức điện chỉ đạo cách mạng cho cả nước.
Sau khi hòa bình lập lại, Bắc Bộ Phủ được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ, do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý. Đây cũng là một "địa chỉ đỏ", giáo dục tinh thần yêu nước và cách mạng cho các thế hệ trẻ.
Di tích Bắc Bộ Phủ là một công trình kiến trúc tiêu biểu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ kiến trúc Pháp và là nơi mang giá trị văn hóa, lịch sử to lớn. Nơi đây có tổng diện tích 11.180m2, gồm tòa nhà 3 tầng cũ với diện tích 900m2 và tòa nhà mới xây dựng vào năm 1976, 5 tầng, diện tích hơn 700m2. Ngoài ra, di tích còn bao gồm sân, vườn và các công trình khác.
Tòa nhà cũ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc, gồm 2 tầng chính và 1 tầng hầm. Tầng trên là phòng ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ.
Cảnh quan kiến trúc và kiểu dáng trang trí ở mặt phố Ngô Quyền vẫn giữ nguyên bản. Hàng rào sắt, cổng, khung mái, sảnh đều được bảo tồn. Phía hàng rào giáp phố Lê Thạch trồng nhiều cây cảnh quý như bách tán, hoàng lan, xoài, nhãn... tạo nên không gian xanh mát.
Hàng rào sắt phía phố Ngô Quyền và cánh cổng chính hiện vẫn còn nhiều vết tích ghi dấu những cuộc chiến đấu ác liệt tại đây.
Các di vật còn lại trong di tích bao gồm một tấm bình phong gỗ 10 cánh, dài 2,7m, rộng 1,6m, trang trí hai mặt sơn khắc: mặt trước là cảnh cung đình Huế, mặt sau có 6 ô thơ chữ Hán và hình hoa quả. Một bàn gỗ rộng 1,2m, dài 2,4m, cao 0,8m, mặt khảm trai, ốc, sơn mài hình rồng phượng chầu mặt trời. Hai chiếc tủ đứng, một tủ 3 buồng (cánh giữa đã mất gương) và một tủ lim đã bạc màu véc ni, có nhiều vết đạn – dấu tích của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Di tích Bắc Bộ Phủ đã được xếp hạng và gắn biển năm 1985. Năm 2005, biển di tích được thay thế bằng một tấm biển đồng kích thước lớn hơn, có chân bằng kim loại inox với nội dung Di tích Lịch sử Cách mạng, "Nơi Hồ Chủ tịch và Chính phủ làm việc”, "Nơi ghi dấu những chiến công của Trung đoàn Thủ đô”.
Ảnh: Fanpage Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội