Toàn cảnh lợi nhuận 2024 của các công ty tài chính: Ai đang dẫn đầu thị trường tiêu dùng?
Năm 2024, nhiều công ty tài chính tiêu dùng báo lãi lớn và đặt mục tiêu tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2025.
Tài chính tiêu dùng khởi sắc
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, với nhiều công ty tài chính thoát lỗ, báo lãi đột biến và tăng tốc mở rộng tín dụng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tiêu dùng trong nước đang dần trở lại sau giai đoạn trầm lắng kéo dài.
Dẫn đầu nhóm công ty tài chính tiêu dùng về lợi nhuận là Home Credit Việt Nam. Sau một năm về tay nhà đầu tư Thái Lan, công ty này đạt lợi nhuận sau thuế 1.291 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2023 và là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Tổng dư nợ tín dụng của Home Credit tăng 12,4%, chủ yếu nhờ mở rộng hoạt động cho vay cá nhân. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm đáng kể, từ 2,49% xuống còn 1,76%.
EVNFinance – Công ty Tài chính Điện lực – cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với lợi nhuận sau thuế 561 tỷ đồng, tăng 71% so với năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt 1.444 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tổng tài sản đạt hơn 59.500 tỷ đồng, tăng 21% trong năm.
Bước sang năm 2025, EVNFinance đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến đạt 80.000 tỷ đồng, đồng thời giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Sau cú sốc thua lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong năm 2023, FE Credit đã có bước phục hồi đáng kể trong năm 2024 khi báo lãi sau thuế 408 tỷ đồng. Riêng quý IV/2024, công ty lãi gần 950 tỷ đồng, gấp 25 lần so với cùng kỳ.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của VPBank – công ty mẹ của FE Credit, đơn vị này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.126 tỷ đồng trong năm 2025, tăng trưởng tới 120%. Đồng thời, tín dụng của FE Credit được kỳ vọng tăng 15%.
![]() |
Năm 2024, nhiều công ty tài chính tiêu dùng báo lãi lớn và đặt mục tiêu tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2025. |
Từng lỗ kỷ lục 963 tỷ đồng năm 2023, Mirae Asset Finance Vietnam đã rút ngắn khoản lỗ xuống còn 159 tỷ đồng trong năm 2024. Trong 6 tháng cuối năm, công ty có lãi 188 tỷ đồng, giúp bù đắp phần lớn khoản lỗ bán niên. Dù vẫn ghi nhận lỗ lũy kế hơn 1.122 tỷ đồng, Mirae Asset đã bước đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.641 tỷ đồng, tăng 3%, và lợi nhuận trước thuế 911 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước.
Shinhan Finance dù chưa công bố kết quả tài chính cả năm 2024 nhưng báo lỗ 95 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm – cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 246 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Bước sang năm 2025, công ty kỳ vọng cải thiện hiệu quả nhờ đầu tư vào nền tảng tài chính số mới iShinhan 5.0.
Khác với phần lớn doanh nghiệp cùng ngành, VietCredit ghi nhận khoản lỗ sau thuế 152 tỷ đồng trong năm 2024 – mức lỗ kỷ lục, đảo chiều so với mức lãi hơn 19 tỷ đồng năm trước. Đáng chú ý, công ty đã cắt giảm 86% nhân sự trong năm, cho thấy nỗ lực tái cấu trúc hoạt động mạnh mẽ.
Dù vậy, VietCredit vẫn theo đuổi mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, trong đó có việc ra mắt thẻ tín dụng số mới hợp tác với NAPAS trong năm 2025.
Sau khi đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng trong năm 2024 (tăng 84% so với năm trước), HD Saison đặt mục tiêu đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2025. Công ty kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu tín dụng tiêu dùng và các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Triển vọng 2025: Tín dụng tiêu dùng sẵn sàng tăng tốc
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhu cầu vay tiêu dùng đang dần phục hồi. Trong năm 2024, tín dụng của FE Credit và Mcredit tăng lần lượt 10,3% và 32,4%. Dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng tại Việt Nam hiện đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ nền kinh tế.
Các chuyên gia tài chính nhận định dư địa tăng trưởng của ngành vẫn còn lớn, do tỷ lệ thâm nhập tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn thấp so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dự báo năm 2025, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 16%. Đây là cơ hội để các công ty tài chính tiêu dùng mở rộng quy mô, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách và hỗ trợ vay tiêu dùng.
Tuy vậy, các rủi ro vẫn hiện hữu. Nợ xấu có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở nhóm khách hàng thu nhập thấp hoặc không đủ điều kiện tín dụng. Các chuyên gia cảnh báo, việc mở rộng tín dụng cần đi kèm với kiểm soát rủi ro chặt chẽ, nhằm bảo vệ cả nhà đầu tư lẫn người vay.
>> Một cổ phiếu nhóm VN30 được khuyến nghị MUA, dư địa tăng giá lên tới 40%
Một ngân hàng đặt cược lớn: Thoái vốn tại công ty tài chính, tìm đường vào ‘sân chơi’ chứng khoán
Sau 1 năm 'về tay' đại gia Thái, công ty tài chính với 16 triệu khách hàng báo lãi 'khủng' gấp 3 lần