Toàn cảnh tranh luận trực tiếp Donald Trump - Joe Biden: Không thèm bắt tay, kịch liệt chỉ trích nhau
Dù đây là lần gặp mặt mặt đầu tiên sau lần tranh luận năm 2020, ông Biden và ông Trump đã không bắt tay nhau khi tiến về bục phát biểu, mở ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng và gay cấn.
Sáng nay (28/6 theo giờ Việt Nam), hai ứng viên trong cuộc đua tranh cử vào vị trí Tổng thống Mỹ là cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã chính thức tranh luận trực tiếp tại sự kiện do CNN tổ chức ở Atlanta.
Là cuộc tranh luận đầu tiên, sự kiện kéo dài 90 phút, không có khán giả trong trường quay và micro của mỗi ứng viên sẽ bị tắt tiếng khi đối thủ của họ đang trong lượt phát biểu. Hai người dẫn chương trình của CNN Jake Tapper và Dana Bash điều hành cuộc tranh luận.
Dù đây là lần gặp mặt mặt đầu tiên sau lần tranh luận năm 2020, ông Biden và ông Trump đã không bắt tay nhau khi tiến về bục phát biểu, mở ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng và gay cấn.
Hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận đầu tiên |
Tranh cãi nảy lửa về kinh tế
Ông Biden là người phát biểu trước. Theo CNBC, Tổng thống Mỹ đang bị cảm lạnh và giọng của ông hơi khàn và thi thoảng húng hắng ho. Ông cho rằng nền kinh tế Mỹ đã "lao dốc không phanh" trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Ngoài ra, ông còn cáo buộc người tiền nhiệm đã quá chiều chuộng lòng tham của các doanh nghiệp và tầng lớp giàu có khi cắt giảm mạnh thuế cho họ. "Vào thời điểm ông ấy rời đi, mọi thứ đã hỗn loạn. Chúng tôi đã sắp xếp lại mọi thứ", ông nói.
Ông Joe Biden là người phát biểu đầu tiên |
Đáp lại, ông Trump phản bác rằng chính quyền của mình đã giúp nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Ông cũng khéo léo chuyển hướng cuộc tranh luận sang vấn đề nhập cư vốn được coi là điểm yếu của đối thủ. Trump cáo buộc Biden đã gây quá tải cho hệ thống an sinh xã hội khi cho phép nhập cư ồ ạt không giấy tờ.
Ông Biden phản pháo rằng việc tăng thuế đối với các tỷ phú sẽ tài trợ cho các chương trình xã hội, đồng thời còn giúp nước Mỹ giảm gánh nặng nợ nần. Đáp lại, ông Trump nói về lạm phát. "Ông ấy đã không làm tốt công việc của mình. Lạm phát đang giết chết đất nước của chúng ta".
Ngược lại, theo ông Biden, nước Mỹ hiện vẫn đang là quốc gia mạnh nhất thế giới. "Tôi chưa bao giờ nghe một vị Tổng thống nào nói như thế này trước đây. Chúng ta là niềm ao ước của thế giới".
Những từ ngữ gây sốc
Chủ đề tiếp theo là về cựu chiến binh, với những lời lẽ khá sốc được cả hai bên đưa ra để cáo buộc nhau về cách đối xử với các cựu chiến binh.
Ông Biden nhắc lại phát biểu của ông Trump trên các phương tiện truyền thông, khi ông Trump gọi những cựu chiến binh đã hy sinh trong chiến tranh là "những kẻ ngu ngốc và thất bại". "Con trai tôi không phải là kẻ thua cuộc hay kẻ ngu ngốc, ông mới là người thua cuộc", ông Biden đề cập đến người con trai quá cố đã thiệt mạng.
Ông Donald Trump tỏ ra khỏe mạnh và lấn át hơn so với đối thủ |
Tuy nhiên, ông Trump lại phản bác lại rằng "ông ấy đã bịa chuyện". "Ông nên xin lỗi ngay bây giờ", ông Trump nói, đồng thời cố gắng chuyển hướng sang nói về người di cư và người tị nạn. "Họ đang sống trong những khách sạn sang trọng ở thành phố New York hay nhiều nơi khác, trong khi các cựu chiến binh đang phải sống trên đường phố. Ông ấy không quan tâm đến họ".
Ông Trump còn nói rằng ông Biden có thể bị giám sát pháp lý sau khi rời nhiệm sở, còn bản thân mình "không làm gì sai" nhưng đã bị một tòa án "gian lận" kết tội. Đáp lại, ông Biden nói đối thủ "sai lầm" khi nghĩ có thể sử dụng tòa án để trả thù.
Xung đột Nga - Ukraine
Ông Trump khẳng định có thể xử lý cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ trong thời gian ngắn, nếu ông chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11. "Tôi sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky trước khi nhậm chức vào ngày 20/1. Mọi người đang chết một cách vô ích".
Khi người dẫn chương trình đặt câu hỏi về các điều khoản mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra nhằm chấm dứt chiến dịch tại Ukraine, ông Trump cho rằng chúng "không thể chấp nhận được". Cách đây không lâu, ông Putin từng tuyên bố chiến dịch Ukraine chỉ kết thúc nếu Kiev "từ bỏ toàn bộ 4 khu vực mà Moskva tuyên bố sáp nhập hồi năm ngoái và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO".
Vấn đề hàng hóa Trung Quốc
Người dẫn chương trình Jake Tapper hỏi ông Trump về đề xuất đánh thuế 10% đối với hàng nhập khẩu, làm thế nào để điều đó không khiến giá cả bị đẩy lên cao. Cựu Tổng thống trả lời rằng "động thái đó sẽ không đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn mà sẽ chỉ tác động tới các quốc gia đã lừa dối chúng ta trong nhiều năm".
Ông còn nói rằng ông Biden "chưa bao giờ xóa bỏ thuế quan của thời tôi, bởi vì Mỹ đã thu về rất nhiều tiền từ các mức thuế mà tôi áp lên Trung Quốc". Sau khi nhậm chức, ông Trump đã áp thuế với rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và nhìn chung thì ông Biden gần như đã giữ nguyên chúng. Đặc biệt, vào tháng trước Chính phủ Mỹ còn tuyên bố tăng thuế đánh vào xe điện Trung Quốc lên tới hơn 100%, bên cạnh tăng thuế với các mặt hàng như pin năng lượng mặt trời, thép và nhôm.
Vẫn chỉ trích nhau khi phát biểu khép lại tranh luận
Trước khi tranh luận khép lại, mỗi ứng viên sẽ có một bài phát biểu kéo dài khoảng 2 phút.
Ông Biden tập trung vào vấn đề thuế, cáo buộc đối thủ đã khiến thuế và lạm phát tăng mạnh, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm lạm phát và giúp người dẫn bớt áp lực.
Trong khi đó, ông Trump lại gọi đối thủ là "người hay phàn nàn", tiếp tục công kích về chính sách biên giới và đối ngoại. Thậm chí, ông đã có phát ngôn gây sốc khi nói rằng "trong ba năm rưỡi, chúng ta như sống trong địa ngục".
Kết thúc, ông Donald Trump rời sân khấu và đi thẳng vào hậu trường, trong khi Đệ nhất phu nhân Jill Biden lên sân khấu ôm hôn ông Joe Biden, sau đó cùng Tổng thống đến chào hai người điều phối trước khi rời đi.
Theo CNN, CNBC, AP