Tổng thống Trump chuẩn bị áp thuế mới với ngành công nghiệp quan trọng của châu Âu
Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ sớm công bố mức thuế "lớn" với dược phẩm nhập khẩu.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP) |
Phát biểu tại một sự kiện của đảng Cộng hòa ngày 8/4, ông Trump cho biết mức thuế mới sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm chuyển hoạt động sang Mỹ.
Lo ngại về hậu quả của chính sách mới, các công ty dược phẩm châu Âu cảnh báo trong cuộc họp của Ủy ban châu Âu, rằng mức thuế của ông Trump sẽ đẩy nhanh quá trình ngành công nghiệp này chuyển khỏi châu Âu và đến Mỹ.
Nhóm vận động hành lang dược phẩm EFPIA, bao gồm các hãng dược phẩm khổng lồ của châu Âu, như: Bayer, Novartis và Novo Nordisk, cho biết đã kêu gọi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen "hành động nhanh chóng và quyết liệt" để giảm thiểu nguy cơ chuyển dịch sang Mỹ.
EFPIA cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần thay đổi khuôn khổ quản lý đối với ngành này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đổi mới sáng tạo và tăng cường các điều khoản về sở hữu trí tuệ của châu Âu.
EFPIA đã nhiều lần cảnh báo ngành dược phẩm của châu Âu sẽ thua trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Mỹ, Trung Quốc và các thị trường mới nổi nếu EU không sửa đổi luật quản lý ngành. "Bây giờ, với sự bất ổn do thuế quan, có rất ít động lực để đầu tư vào EU và trong khi có những động lực quan trọng để chuyển đến Mỹ”, tuyên bố của EFPIA viết.
Mỹ phụ thuộc vào nhiều loại thuốc được sản xuất một phần tại châu Âu, mang lại cho châu Âu hàng trăm tỷ đô la doanh thu mỗi năm. Theo dữ liệu mới nhất của Eurostat, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm y tế và dược phẩm của EU sang Mỹ năm 2023 đạt khoảng 90 tỷ euro (97,05 tỷ USD).
Mỹ là thị trường dược phẩm lớn nhất tính theo doanh số bán hàng của các hãng dược phẩm. Doanh số bán hàng tại Bắc Mỹ chiếm gần 50% doanh số bán dược phẩm thế giới trong năm 2021, trong khi châu Âu chiếm 25%.
Trong khi đó, vòng thuế đối ứng của ông Trump đã bắt đầu có hiệu lực, khiến hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn rất nhiều.
Các nhà kinh tế học bối rối khi thấy ông Trump tìm cách thay đổi trật tự kinh tế hiện tại, dù nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhất thế giới.
Ông Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cho biết: "Có một điều trớ trêu là ông Trump tuyên bố các đối tác thương mại đối xử bất công với Mỹ khi nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi các nền kinh tế lớn đang đình trệ hoặc mất đà tăng trưởng".
“Điều trớ trêu hơn là chính sách thuế quan của ông Trump có thể sẽ chấm dứt chuỗi thành công đáng kinh ngạc của nước Mỹ và làm sụp đổ nền kinh tế, tăng trưởng việc làm và thị trường tài chính'', GS Prasad cảnh báo.
Ông Trump và các cố vấn thương mại của ông nhấn mạnh rằng các quy tắc chi phối thương mại toàn cầu khiến Mỹ gặp bất lợi rõ rệt. Nhưng các nhà kinh tế chính cho nhà lãnh đạo Mỹ có tư tưởng sai lệch về thương mại thế giới, đặc biệt là về thâm hụt thương mại. Họ cho rằng thâm hụt thương mại không cản trở tăng trưởng của Mỹ.
Thuế đối ứng bắt đầu có hiệu lực, người tiêu dùng Mỹ lo ngại giá cả tăng cao
Chứng khoán châu Á đỏ lửa khi thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, Nikkei 225 mất hơn 3%