Top 50 công ty niêm yết tốt nhất: Nhóm bán lẻ góp 4 đại diện, Digiworld lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh
Digiworld là 1 trong 4 doanh nghiệp bán lẻ được vinh danh trong TOP 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023.
Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023. Đây là lần thứ 11 danh sách này được công bố. Forbes Việt Nam cho biết năm nay không có nhiều tên tuổi mới so với danh sách những năm gần đây.
Tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỉ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1,49 triệu tỉ đồng, tăng 24,9%. Quán quân doanh thu như thường lệ thuộc về Petrolimex, trong khi vị trí số 1 về lợi nhuận thuộc về Vietcombank.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, tiêu dùng nội địa suy yếu, nhóm ngành phòng thủ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, logistics, công nghệ lên ngôi, ngân hàng là lĩnh vực có nhiều đại diện nhất với sáu cái tên, trong khi đó bất động sản và nguyên vật liệu giảm một nửa số đại diện.
Nhóm doanh nghiệp bán lẻ có đại diện của 4 tên tuổi Thế giới di động (MWG), CTCP Thế giới số (Digiworld - DGW), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) và Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Petrolimex dẫn đầu về thị phần bán lẻ xăng dầu
Năm 2022 Petrolimex (PLX) đạt mức doanh thu kỷ lục 304.080 tỷ đồng, mức kỷ lục từ trước tới nay, và đạt mức tăng trưởng 80% so với năm 2021. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 39% về mức 1.913 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới doanh thu tăng đột biến nhưng lợi nhuận giảm là do chi phí giá vốn tăng cao, chi phí tài chính gấp đôi, chi phí bán hàng tăng gần 1.500 tỷ đồng. Bù lại có phần doanh thu tài chính tăng 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 1.931 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá.
Petrolimex hiện đang dẫn đầu về thị phần bán lẻ xăng dầu với mạng lưới khoảng 5.500 cửa hàng, trong đó hơn 2.700 cửa hàng do Petrolimex sở hữu và 2.800 cửa hàng là đại lý, tổng đại lý, nhượng quyền trên cả nước. Điểm nhấn của Petrolimex năm 2022 là đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ và chuyển đổi một số cây xăng truyền thống thành điểm phục vụ đa dạng, trong đó có việc kết hợp với Vinfast khai trương trạm sạc xe điện tại 10 cửa hàng đầu tiên trong kế hoạch mở hơn 500 trạm sạc xe điện Vinfast trên cả nước.
Tổng tài sản Petrolimex cuối năm 2022 ở mức 73.811 tỉ đồng, tăng 14% so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm trên 67%. Tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính chiếm 25,3% tổng tài sản, ở mức 18.704 tỉ đồng.
PNJ dẫn đầu phân khúc bán lẻ trang sức
Cũng doanh nghiệp bán lẻ, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam - xác lập kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, kênh bán sỉ chiếm 12% tổng doanh thu, tăng 56,1% so với cùng kỳ và mảng bán lẻ đóng góp 85,5%, tăng trưởng đến 78%. Con số kỷ lục này có nguyên nhân không nhỏ từ việc giá vàng miếng liên tục lập đỉnh.
Năm 2023, PNJ tiếp tục đặt tham vọng về doanh thu và lợi nhuận trên nền cao của năm 2022, lần lượt là 35.598 tỉ đồng và 1.937 tỉ đồng. Một trong những chiến lược nhằm hiện thực hóa chỉ tiêu này là tiếp tục mở mới khoảng 25 cửa hàng, ngược với xu hướng thu hẹp hoặc ngừng mở rộng của nhiều kênh bán lẻ ở giai đoạn hiện tại. Quý 1.2023, PNJ tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về lợi nhuận với 749 tỉ đồng trên kết quả doanh thu 9.753 tỉ đồng.
Nhóm bán lẻ ICT ghi nhận sự hiện diện của 2 doanh nghiệp Digiworld và Thế giới di động
Năm 2022, thị trường máy tính đi xuống nhưng tổng doanh thu của Digiworld (DGW) vẫn tăng 5% so với cùng kỳ, nhờ vào mảng điện thoại vốn đóng góp đến 50% doanh số vẫn duy trì được tăng trưởng 9%, chủ yếu gia tăng thị phần từ Xiaomi – thương hiệu DGW đang phân phối độc quyền và các dòng iPhone của Apple.
Các mảng thiết bị văn phòng, hàng gia dụng, hàng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng và tăng mức đóng góp vào tổng doanh thu. Cuối năm 2022, DGW đã xúc tiến các thủ tục giấy phép, hệ thống kho dược phẩm và ký hợp đồng phân phối bia ABInBev để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Năm 2023, trong bối cảnh các ông lớn bán lẻ ICT gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các ông lớn ghi nhận lợi nhuận giảm sút, thì Digiworld lại vươn lên âm thầm chiếm lịnh thị trường.
Kết qủa kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy doanh thu, lợi nhuận vẫn giảm, nhưng vẫn là doanh nghiệp ít chịu tác động nhất trong nhóm bán lẻ ICT. Mảng điện thoại vẫn luôn đem lại doanh thu lớn nhất cho Digiworld với 2.190 tỷ đồng trong riêng quý 2, chiếm 48% cơ cấu doanh thu. Mảng laptop và máy tính với doanh thu 1.342 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu doanh thu. Mảng thiết bị gia dụng ghi nhận tăng trưởng mạnh về doanh thu với mức tăng 54%, đạt 166 tỷ đồng nhờ việc thêm các nhãn hàng mới và các nhãn hàng hiện có được biết đến và tin dùng.
Trong khi đó Thế giới di động (MWG) diễn biến theo một hướng hoàn toàn khác. Năm 2022 Thế Giới Di Động công bố “cắt bỏ những phần không hiệu quả, củng cố nền tảng cốt lõi, tập trung vào những thứ đóng góp giá trị lớn và có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng”. Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh được “đại phẫu” còn 1.728 cửa hàng, giảm gần 20% so với năm 2021. Chuỗi nhà thuốc An Khang sau khi đạt quy mô 500 điểm bán vào cuối năm 2022 đã tạm ngưng mở rộng. Hàng loạt chuỗi mới thử nghiệm như AvaSport, AvaJewelry… cũng đã chấm dứt hoạt động. Năm 2022, Thế giới di động chỉ hoàn thành 95% chỉ tiêu doanh thu và đạt 65% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Thế giới di động báo kết quả kinh doanh giảm sút mạnh nhất trong nhóm các doanh nghiệp bán lẻ ICT trên sàn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Thế giới di động giảm 20% so với cùng kỳ, về mức 56.571 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 39 tỷ đồng, bốc hơi khoảng 98% so với số lãi đạt được nửa đầu năm ngoái.
Thế giới di động vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc, trong 6 tháng đầu năm công ty đã cắt giảm đi đã giảm đi 10 cửa hàng Thế giới di động trên cả nước; số cửa hàng Điện may xanh giảm đi 5 và giảm 16 cửa hàng Bách Hóa Xanh, tăng 37 nhà thuốc An Khang. Thế giới di động cũng đã phải cắt giảm đi gần 6.000 nhân viên trong nửa đầu năm 2023.
Digiworld lần thứ 3 liên tiếp lọt Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất
Để thực hiện Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2023, các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều bước với những tiêu chuẩn rất khắt khe, từ những tiêu chí bắt buộc ban đầu như doanh thu, vốn hoá, lợi nhuận...
Những tiêu chí cao hơn được đưa ra đánh giá như tỉ lệ tăng trưởng kép, tỉ lệ ROE, ROC, tăng trưởng EPS giai đoạn 2018—2022. Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành…
Vượt qua tất cả những đánh giá khắt khe đó, Digiworld đã lần thứ 2 liên tiếp lọt danh sách TOP 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận 4 doanh nghiệp trong nhóm bán lẻ ICT là Thế giới di động, Petrosetco, Digiworld và FPT Retail. Ảnh hưởng của việc thắt chặt chi tiêu khiến kết quả kinh doanh chung của cả nhóm 4 doanh nghiệp đều giảm sút. Tuy vậy điểm rơi lợi nhuận của Thế giới di động và FPT Retail là lớn nhất, thậm chí FPT Retail còn rơi vào cảnh thua lỗ.
Trong nhóm 4 doanh nghiệp bán lẻ ICT cùng ngành nghề, năm 2023 đã không có sự hiện diện của Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí Petrosetco (PET). FPT Retail không xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là FPT ở vị thế của một doanh nghiệp công nghệ viễn thông. còn lại 2 doanh nghiệp bán lẻ ICT lọt TOP 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất là Digiworld và Thế giới di động.