13 năm trước, Tesla học hỏi kinh nghiệm sản xuất hàng loạt của Toyota. Giờ đây, đến lượt Toyota học hỏi từ người “đàn em” trong ngành công nghệ xe hơi.
Hành trình trở thành gã khổng lồ xe điện của Tesla được mở đường thông qua mối quan hệ đối tác với Toyota vào năm 2010, sau khi hãng xe Nhật Bản mua 3% cổ phần Tesla với giá trị 50 triệu USD.
Trong khi đó, Tesla mua lại một phần nhà máy liên doanh của Toyota và General Motors tại California với giá 42 triệu USD.
CEO Tesla Elon Musk và cựu Chủ tịch Toyota Akio Toyoda năm 2010. |
Mối quan hệ hợp tác giữa 2 hãng đã kết thúc từ năm 2017 do khác biệt về quan điểm phát triển khi mà Toyota vẫn tỏ ra cẩn trọng với tương lai của xe chạy hoàn toàn bằng điện khi đầu tư khá nhỏ giọt vào lĩnh vực này, ngược với sự phát triển như vũ bão của Tesla.
Tuy vậy, khi Tesla vẫn chưa có tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và mới chỉ sản xuất một lượng hạn chế xe thể thao chạy điện, sự hợp tác với Toyota đã giúp hãng xe của Mỹ học hỏi được kiến thức cần thiết để sản xuất ô tô trên quy mô lớn, điều mà Elon Musk ca ngợi là “tốt nhất thế giới”.
Giờ đây, sau 13 năm, “cũng đã đến lúc Toyota cần học từ Tesla”, Nikkei Asia dẫn lời nhân sự cấp cao của một doanh nghiệp ô tô Nhật Bản cho biết. “Đây là một cú sốc. Tuy nhiên, nếu mọi thứ cứ như hiện nay, họ sẽ không thể hạ giá xe điện một cách đáng kể. Đây là thời điểm Toyota cần thay đổi cách thức sản xuất”.
Học hỏi "đàn em"
Toyota đang thúc đẩy sử dụng công nghệ đúc cỡ lớn để cắt giảm một nửa thời gian sản xuất, đầu tư nhà máy và số lượng quy trình sản xuất cần thiết khi hãng chuẩn bị cho các loại xe điện thế hệ tiếp theo dự kiến ra mắt vào năm 2026.
Dù mới với Toyota, nhưng kỹ thuật đúc này do Tesla tiên phong, loại bỏ vô số bộ phận bằng cách đúc mặt trước và mặt sau của xe thành hai mô-đun khổng lồ. Đó là những cỗ máy cỡ ngôi nhà có thể tạo ra các bộ phận bằng nhôm lớn hơn nhiều so với bất kỳ thứ gì được dùng trước đây trong sản xuất ô tô.
Ví dụ, phần dưới phía sau của Toyota bZ4X là sự kết hợp phức tạp của 86 bộ phận được sản xuất thông qua 33 quy trình. Nhưng Toyota đang tạo mẫu thử một cách để đóng dấu phần giống như một mảnh từ một quy trình, nhờ vào việc sử dụng một cỗ máy đúc khuôn áp lực cao "Giga Press".
Máy đúc cỡ lớn lần đầu được sử dụng với mẫu xe Model Y của Tesla năm 2020. Công nghệ này giúp Tesla cắt giảm trung bình tới một nửa chi phí trên mỗi phương tiện.
“Tesla là công ty dẫn đầu trong thị trường xe điện. Chúng tôi cần học hỏi từ họ”, một quản lý cấp cao của Toyota nói. “Khi đó, không ai nghĩ Tesla sẽ được như bây giờ”, vị quản lý này nói thêm, đề cập đến quan hệ đối tác năm 2010.
Tư duy khác biệt
Thành công của Tesla đến từ khả năng xác định điểm yếu trong ngành công nghiệp ô tô truyền thống và tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường.
Một ví dụ điển hình là việc hãng bán ô tô trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các kênh trực tuyến, thay vì dựa vào mạng lưới đại lý để hỗ trợ những người mua tiềm năng. Chiến lược này giúp Tesla tránh được các chi phí trung gian, mang đến mức giá hợp lý hơn cho người tiêu dùng.
Không giống như lối tư duy "kaizen" của Toyota, vốn đề cao sự cải tiến liên tục nhưng có thể không quá lớn, cách tiếp cận của Tesla hoàn toàn khác.
Khi xây dựng một nhà máy mới, Tesla sửa đổi và cải tiến hoàn toàn quy trình sản xuất từ đầu, với mục tiêu cuối cùng là giảm một nửa chi phí. Việc không ngừng theo đuổi mục tiêu cắt giảm chi phí này không chỉ gây áp lực lên các đối thủ cạnh tranh của Tesla mà còn ngay trong chính nội bộ công ty.
Mẫu Model Y của Tesla được chế tạo nhờ máy đúc cỡ lớn. |
Thành công là thế nhưng Tesla cũng không tránh khỏi những thách thức khi phát triển thành một tập đoàn lớn.
Với lực lượng lao động gồm 120.000 nhân viên và khả năng sản xuất 2 triệu ô tô mỗi năm, Tesla giờ đây sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể hơn khi đưa ra các quyết định đột phá so với khi còn là một công ty khởi nghiệp.
Hơn nữa, tính độc đáo và thương hiệu Tesla cũng có thể mất dần giá trị, bằng chứng là giá xe Model 3 của hãng tại Mỹ giảm 20% chỉ trong nửa năm nay, phản ánh thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng. Tesla cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Nếu như trước đây Tesla học hỏi từ ông lớn Toyota, giờ đây hàng loạt doanh nghiệp lại học hỏi từ chính Tesla. Với vị thế dẫn đầu ngành hiện tại, Tesla đang chịu áp lực rất lớn, và nếu không cẩn trọng, Tesla hoàn toàn có thể đánh mất vị thế vào tay các đối thủ, giống như Toyota trước kia.