Bất động sản

TP đáng sống nhất Việt Nam đặt mục tiêu vận hành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2030

Việt Hoàng 30/04/2025 06:02

Trung tâm được định hướng trở thành mô hình phát triển xanh, đổi mới, đầu tư bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Đà Nẵng, mở ra bước khởi đầu quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.

Theo Nghị quyết, đây là dự án chiến lược gắn với lợi ích quốc gia và sự phát triển dài hạn của thành phố, bám sát tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và các kết luận liên quan về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Đà Nẵng xác định phát huy tối đa các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và xã hội. Trong đó, nội lực là yếu tố then chốt và bền vững, còn ngoại lực đóng vai trò đột phá. Thành phố chủ trương triển khai dự án theo hướng từng bước vững chắc, kiên trì, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thành phố cũng cam kết tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù từ Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội để thúc đẩy tiến độ dự án. Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm tài chính Đà Nẵng, thu hút các định chế tài chính, tổ chức pháp lý, kế toán, kiểm toán trong và ngoài nước.

>> Khu kinh tế lớn bậc nhất Việt Nam sẽ có thêm loạt dự án lớn, quy mô hơn 22.000ha

Trung tâm được định hướng trở thành mô hình phát triển xanh, đổi mới, đầu tư bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và khởi nghiệp; đồng thời là hạt nhân cho hoạt động thanh toán số và đổi mới sáng tạo tài chính.

Trung tâm sẽ tập trung vào các lĩnh vực gồm tài chính xanh, tài chính thương mại cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa; dịch vụ tài chính offshore cho tổ chức, cá nhân không cư trú; phát triển thương mại xuyên biên giới gắn với khu thương mại tự do, khu công nghệ cao và khu kinh tế mở.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ thí điểm có kiểm soát các mô hình tài sản số, tiền kỹ thuật số và chuyển tiền số; thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ quy mô vừa và nhỏ; hỗ trợ startup trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, du lịch, thương mại và logistics.

Về chức năng, trung tâm sẽ là cầu nối đầu tư khu vực, cửa ngõ hội nhập tài chính, thúc đẩy các ngành kinh tế mới và liên kết với các trung tâm tài chính toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Các nội dung bao gồm: cho phép áp dụng luật nước ngoài theo thỏa thuận (như Luật thông lệ Anh) trong các hoạt động tài chính; xây dựng cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu với các trung tâm tài chính quốc tế; sử dụng tiếng Anh trong giao dịch; triển khai mô hình “một cửa tại chỗ”; áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án hạ tầng tài chính.

Ngoài ra, thành phố sẽ miễn thị thực cho chuyên gia nước ngoài làm việc trong trung tâm; có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính và tư pháp; đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu vận hành trung tâm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong giai đoạn 2025-2030, Đà Nẵng tập trung thu hút các tập đoàn tài chính, định chế trong và ngoài nước; đồng thời xúc tiến thành lập các trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế, fintech và blockchain nhằm tư vấn chuyên môn, cơ chế, chính sách.

Song song, thành phố đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng mềm, kết nối với khu thương mại tự do và các dự án động lực như tuyến đường sắt đô thị, không gian lấn biển Vịnh Đà Nẵng, tạo nền tảng phát triển lâu dài cho Trung tâm tài chính.

Thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ xuyên suốt, đảm bảo cho hoạt động quản lý và vận hành trung tâm theo chuẩn quốc tế. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư và xây dựng hình ảnh Trung tâm tài chính Đà Nẵng hiện đại, cởi mở và cạnh tranh sẽ được đẩy mạnh trong nước và quốc tế.

Trước đó, theo Thông báo kết luận số 47 ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam với hai địa điểm được lựa chọn là TP. HCM và TP. Đà Nẵng.

Theo báo cáo Expat Insider 2022 của tổ chức InterNations, Việt Nam xếp hạng 7 trong danh sách 52 quốc gia lý tưởng nhất cho người nước ngoài sinh sống, trong đó Đà Nẵng là một trong những lựa chọn hàng đầu. Trước đó, vào năm 2018, tạp chí du lịch Live and Invest Overseas cũng đã vinh danh Đà Nẵng là 1 trong 10 địa điểm đáng sống nhất thế giới.

>> TP giàu nhất Việt Nam đầu tư hơn 21.000 tỷ làm tuyến đường tốc độ nhanh kết nối sân bay lớn nhất cả nước

Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Đồng Nai mới sau sáp nhập: Là 'thủ phủ công nghiệp', cửa ngõ chiến lược phía Đông TP. HCM

Hà Nội dự kiến sáp nhập bệnh viện và xây mới thêm 4 bệnh viện tại các quận trung tâm

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tp-dang-song-nhat-viet-nam-dat-muc-tieu-van-hanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-vao-nam-2030-202250429162917984.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TP đáng sống nhất Việt Nam đặt mục tiêu vận hành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2030
    POWERED BY ONECMS & INTECH