Xã hội

Trong 10 năm, bệnh béo phì ở người Việt đã tăng gấp đôi, tập trung chủ yếu ở lứa 5-19 tuổi

Hải Châu 12/05/2025 10:00

Béo phì là yếu tố nguy cơ cho nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, tiểu đường, huyết áp...

Tại chương trình Ngày Dinh dưỡng Cộng đồng Việt Nam lần thứ 4 do báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, diễn ra tại TP. HCM ngày 11/4, Giáo sư Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh rằng dinh dưỡng khoa học không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tật mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Trong 10 năm, bệnh béo phì ở người Việt đã tăng gấp đôi, tập trung chủ yếu ở lứa 5-19 tuổi - ảnh 1
Bệnh béo phì tăng mạnh ở người Việt 5-19 tuổi. Ảnh: Báo Dân trí

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức cần vượt qua. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các vùng núi cao vẫn ở mức đáng lo ngại, với 38% trẻ em bị thấp còi tại một số khu vực.

Trong khi đó, tại các đô thị như TP. HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã vượt ngưỡng 20%, kéo theo nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa và nhiều loại ung thư.

"Chỉ trong vòng 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi 5-19 đã tăng gấp 2 lần, từ 8,5% vào năm 2010 lên đến 19% vào năm 2020. Tính trên tổng số người trưởng thành, tỷ lệ gặp phải tình trạng trên đến 25%. Đây là con số rất đáng báo động", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cảnh báo.

Trong 10 năm, bệnh béo phì ở người Việt đã tăng gấp đôi, tập trung chủ yếu ở lứa 5-19 tuổi - ảnh 2
Béo phì gây ra nhiều bệnh lý đi kèm. Ảnh: Bệnh viện Việt Đức

Bên cạnh đó, ông cho biết xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và nước ngọt trong giới trẻ đang ngày càng gia tăng, trong khi việc vận động thể lực vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về những hành động quyết liệt hơn, không chỉ ở cấp chính sách mà còn trong từng gia đình và cộng đồng.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, được tổ chức hàng năm nhằm hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới, đã góp phần lan tỏa thông điệp về chế độ ăn lành mạnh kết hợp với vận động thể chất. Chương trình “Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em.

Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành "10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030", trong đó khuyến khích người dân ăn uống đa dạng, đủ chất, hạn chế đồ chiên rán, thức ăn nhanh và duy trì lối sống năng động.

Trong 10 năm, bệnh béo phì ở người Việt đã tăng gấp đôi, tập trung chủ yếu ở lứa 5-19 tuổi - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ 3, từ trái sang) cùng ban tổ chức khai mạc Ngày Dinh dưỡng Cộng đồng Việt Nam lần 4. Ảnh: Báo Dân trí

Việt Nam cũng tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực dinh dưỡng, khi tham gia phong trào Mở rộng Dinh dưỡng (SUN) từ năm 2014 và ký kết “Tuyên bố chung ASEAN về chấm dứt suy dinh dưỡng” từ năm 2017. Những nỗ lực này thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2: xóa nạn đói và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030.

Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay hành động, bắt đầu từ những thay đổi đơn giản như một bữa ăn lành mạnh hơn hay duy trì một giờ vận động mỗi ngày, để từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực cho toàn xã hội.

>> Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, bác sĩ tiết lộ dấu hiệu ‘3 tăng 1 giảm’

Thói quen ăn sáng quan trọng giúp người từ 55 tuổi trở lên ngừa tim mạch, béo phì

Một quốc gia cung cấp miễn phí thuốc giảm cân cho người béo phì thất nghiệp

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/trong-10-nam-benh-beo-phi-o-nguoi-viet-da-tang-gap-doi-tap-trung-chu-yeu-o-lua-519-tuoi-142132.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trong 10 năm, bệnh béo phì ở người Việt đã tăng gấp đôi, tập trung chủ yếu ở lứa 5-19 tuổi
    POWERED BY ONECMS & INTECH