Trung Quốc bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng lớn lần đầu tiên kể từ khủng hoảng 2008
Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Trung Quốc lên kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại lớn, nhằm củng cố ngành ngân hàng đang phải đối mặt với biên lợi nhuận thấp kỷ lục và nợ xấu gia tăng.
Trong một cuộc họp báo ngày 24/9, Chính phủ nước này tuyên bố sẽ tăng vốn lõi cấp 1 tại 6 ngân hàng thương mại lớn, cùng với một loạt biện pháp khác để hỗ trợ thị trường bất động sản và nền kinh tế.
"4 ngân hàng lớn sẽ được bổ sung vốn luân phiên theo các chính sách khác nhau", Li Yunze, Bộ trưởng Cục Quản lý Tài chính Quốc gia, cho biết mà không tiết lộ thêm chi tiết. Ông khẳng định cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy các ngân hàng lớn nâng cao năng lực quản lý vốn và củng cố hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế thực.
Vào hôm qua (24/9), Chính phủ đã công bố một đợt kích thích lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Các biện pháp bao gồm giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, cắt giảm lãi suất cơ bản và hỗ trợ thị trường bất động sản bằng cách hạ lãi suất cho vay mua nhà và giảm tỷ lệ trả trước.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc quyết định bơm vốn trực tiếp vào một ngân hàng thương mại lớn. Ông Li cho biết, việc bổ sung vốn là điều cấp thiết để các ngân hàng có đủ khả năng hỗ trợ nền kinh tế.
Các ngân hàng thương mại lớn như ICBC và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với áp lực giảm biên lợi nhuận do cạnh tranh gay gắt trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khiến họ khó có thể tăng vốn thông qua lợi nhuận giữ lại.
Tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng quốc doanh lớn vẫn ở mức ổn định, dù có giảm nhẹ so với trước. Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 trung bình của 6 ngân hàng lớn đạt 11,77%, vượt xa mức yêu cầu tối thiểu 8,5% đối với các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống.
Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được kỳ vọng sẽ tác động trung tính đến lợi nhuận của các ngân hàng, theo Thống đốc Pan Gongsheng. Ông cho biết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ đi kèm với việc giảm lãi suất tiền gửi, giúp các ngân hàng giải phóng thêm nguồn vốn.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Trung Quốc vẫn đối mặt với áp lực giảm lợi nhuận. Lợi nhuận hợp nhất của các ngân hàng này chỉ tăng 0,4% trong nửa đầu năm, mức tăng chậm nhất kể từ năm 2020. Áp lực này chủ yếu đến từ việc các ngân hàng phải liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để đáp ứng chính sách tiền tệ nới lỏng của PBOC.
Biên lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng tiếp tục giảm, chạm mức thấp kỷ lục 1,54% vào cuối tháng 6, thấp hơn nhiều so với mức ngưỡng 1,8% cần thiết để duy trì lợi nhuận hợp lý.
Theo BNN
>>Sếp ‘mất tích’ bí ẩn, cổ phiếu ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc bốc hơi hơn 70%