PBOC đã cắt giảm LPR kỳ hạn 5 năm, vốn được sử dụng để xác định lãi suất thế chấp, xuống 3,95% từ mức 4,2%.
Trong ngày 20/2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay chuẩn (LPR) kỳ hạn 5 năm, nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế đang bị đè nặng bởi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và niềm tin kinh doanh yếu kém.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 5 năm giảm từ mức 4,2% xuống 3,95%, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái. Trong khi đó, PBOC được cho là sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm để giảm chi phí vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Trung Quốc.
Việc cắt giảm lãi suất thế chấp 25 điểm cơ bản là mức giảm lớn nhất kể từ khi chính sách lãi suất mới được đưa ra vào tháng 8/2019, phản ánh lời kêu gọi trước đây của các nhà đầu tư yêu cầu nhiều biện pháp hơn để thúc đẩy nhu cầu về bất động sản.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh áp lực tài sản và niềm tin kinh doanh yếu kém. Ảnh: SCMP |
Nhiều người cũng cho rằng các biện pháp như vậy là cần thiết để tạo động lực kinh tế sau thời kỳ tăng trưởng không đồng đều vào năm 2023, bất chấp các hạn chế chặt chẽ liên quan đến Covid-19 của Trung Quốc đã chấm dứt.
Bắc Kinh báo cáo mức tăng trưởng GDP 5,2% trong năm ngoái, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,6% vào năm 2024.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm với các ngân hàng thương mại, giải phóng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) vốn dài hạn để tăng cường thanh khoản.
Louise Loo, nhà kinh tế tại Oxford Economics, cho biết người tiêu dùng dường như đã lấy lại ham muốn chi tiêu sau khi dữ liệu du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán gần đây vượt qua mức trước đại dịch vào năm 2019.
Tuy nhiên, mức tiêu dùng bền vững vẫn là một dấu hỏi lớn. Bà nói: “Rõ ràng việc nới lỏng chính sách nhiều hơn là cần thiết, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang suy thoái kéo dài và niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn yếu”.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã chậm lại vào tháng trước, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới chỉ cải thiện ở mức khiêm tốn. Chỉ số giá tiêu dùng ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong 14 năm, giảm 0,8%, tiếp tục làm dấy lên lo ngại về giảm phát.
Doanh số bán bất động sản giảm 6,5% vào năm 2023, tiếp tục xu hướng bắt đầu từ hai năm trước đó, sau khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt giám sát các nhà phát triển bất động sản để ngăn chặn tình trạng vay mượn quá mức.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương vẫn giữ nguyên cơ sở cho vay trung hạn bất chấp kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm để cải thiện tính thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng.
>> Trung Quốc bơm 137 tỷ USD giải cứu thị trường bất động sản