Quốc tế

Trung Quốc hoàn thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới: Bao phủ 20km2 sa mạc, đột phá với công nghệ tối tân nhất

Quỳnh Vân 30/11/2023 - 07:28

Nhà máy nằm ở Abu Dhabi có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 200.000 hộ gia đình.

Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới đã được hoàn thành tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngay trước thềm hội nghị Cop28 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Dubai. Đây là một phần trong sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Theo nhà thầu chính là Tập đoàn Công nghiệp Máy móc Quốc gia Trung Quốc, dự án quang điện mặt trời Al Dhafra với công suất 2 gigawatt sẽ bao phủ 20km2 sa mạc bên ngoài Abu Dhabi và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 200.000 hộ gia đình.

Giảm thiểu khí thải

Công ty cho biết nhà máy này dự kiến sẽ giúp Abu Dhabi giảm lượng khí thải carbon 2,4 triệu tấn mỗi năm - tương đương với việc loại bỏ hơn nửa triệu xe ô tô khỏi đường cao tốc - và đưa tỷ lệ năng lượng sạch lên hơn 13% tổng sản lượng của tiểu vương quốc này.

Tính đến giữa tháng 11 vừa qua, trang trại năng lượng mặt trời đã sản xuất được 3,6 tỷ kilowatt giờ điện sạch trước khi khánh thành chính thức vào ngày 23/11.

Phó lãnh đạo Abu Dhabi, Sheikh Hazza bin Zayed Al Nahyan, cho biết: “Khi UAE chuẩn bị đăng cai tổ chức Cop28, dự án tiên phong này phản ánh cam kết liên tục của quốc gia trong việc tăng tỷ trọng năng lượng sạch, giảm lượng khí thải nhà kính và hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu về hành động vì khí hậu”.

Sheikh Hazza cũng bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao đối với tiêu chí “ tiêu chuẩn cao, chất lượng cao” của nhà thầu Trung Quốc.

Công nghệ tối tân

Công ty chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng dân dụng, cung cấp thiết bị, lắp đặt, vận hành và bảo trì cho biết nhà máy này bao gồm 4 triệu tấm pin mặt trời có thể thu được ánh sáng mặt trời ở cả hai phía.

Theo truyền thông Trung Quốc, hợp đồng xây dựng có thời hạn 3 năm đã được ký vào tháng 10/2020. Nhóm dự án đã phải chiến đấu với đại dịch Covid-19 và những gián đoạn trên chuỗi cung ứng để hoàn thành dự án đúng thời hạn.

Dự án nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới ở Abu Dhabi. Nguồn: Gulf News

Che Mingan, người quản lý dự án, cho biết: “Trung Quốc đã sử dụng các thành phần pin mặt trời tiên tiến nhất cũng như các khái niệm thiết kế và xây dựng mới nhất để xây dựng nhà máy này”.

Bên cạnh đó, các mô-đun quang điện lẫn khung theo dõi và robot làm sạch cho dự án đều là các sản phẩm và công nghệ đến từ Trung Quốc.

Được biết, nhà máy Al Dhafra đã hoạt động hết công suất kể từ tháng 4 vừa qua. Che nhấn mạnh: “Điều quan trọng là UAE phải đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong khu vực và phát triển bền vững”.

Dự án Abu Dhabi được coi là ví dụ mới nhất về cách Trung Quốc giúp các nước trong khu vực BRI đạt được tham vọng năng lượng sạch của họ.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển xanh với hơn 30 quốc gia trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Dự án bao gồm các giai đoạn K-2 và K-3 của nhà máy điện hạt nhân Karachi – do Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc xây dựng bằng công nghệ điện hạt nhân tự trồng thế hệ thứ ba.

Báo cáo cũng bổ sung thêm rằng nhà máy Karachi đã tạo ra gần 20 tỷ kilowatt giờ điện sạch để đáp ứng nhu cầu hàng năm của 2 triệu người ở Pakistan.

Ôm “hoài bão” giữa vùng sa mạc khắc nghiệt

Không chỉ dừng lại ở UAE, Trung Quốc đang bắt đầu lên kế hoạch lắp đặt những dự án khổng lồ về năng lượng trời và gió mới ở chính những khu vực khô cằn nhất của mình.

Trung Quốc đặt chỉ tiêu lắp đặt thêm ít nhất 225 cơ sở năng lượng tái tạo có quy mô tương đương trên khắp các vùng sa mạc rộng lớn trong nội địa đến cuối thập kỷ này.

Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến trong lĩnh vực năng lượng: giảm thiểu nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch, hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và giúp quốc gia thoát khỏi nhóm phát thải nhiều nhất thế giới sang một con đường khả thi hơn để loại bỏ khí thải carbon.

Bloomberg nhận định, với mức năng lượng sạch được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều như hiện nay, đất nước tỉ dân này có thể đạt đỉnh phát thải trước thời hạn vào năm 2030, mang lại cho Trái đất cơ hội tốt hơn trong việc kiểm soát sự nóng lên toàn cầu.

Kỳ lạ con sông dài nhất thế giới với 6.400 km, chảy qua 3 quốc gia nhưng tuyệt nhiên không có một cây cầu nào bắc qua

Trung Quốc đạt bước tiến lớn với siêu dự án "mặt trời nhân tạo" lớn nhất thế giới

Lý do nước tiên tiến như Nhật Bản lại tụt hậu hàng chục năm về năng lượng tái tạo

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trung-quoc-hoan-thanh-nha-may-dien-mat-troi-lon-nhat-the-gioi-bao-phu-20km2-sa-mac-dot-pha-voi-cong-nghe-toi-tan-nhat-213318.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trung Quốc hoàn thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới: Bao phủ 20km2 sa mạc, đột phá với công nghệ tối tân nhất
POWERED BY ONECMS & INTECH