Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu phân Ure, doanh nghiệp ngành phân bón kỳ vọng lãi lớn
Giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp ngành phân bón bất ngờ vụt tăng trước tin vui.
Ngày 7/8/2023, Bloomberg đưa tin một số nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới từ đầu tháng này theo yêu cầu của Chính phủ và hạn chế này chỉ áp dụng đối với phân ure.
Lệnh cấm xuất khẩu này từ Trung Quốc nguyên nhân xuất phát từ việc quốc gia này đang lo ngại trước diễn biến thị trường lương thực toàn cầu khi Ấn Độ và UAE đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo thế giới tăng cao. Trước đó giá lúa mì cũng liên tục lập đỉnh do đứt gãy nguồn cung từ Nga và Ukraine.
Việc thiếu hụt nguồn cung đối với phân ure đã xảy ra từ giữa tháng 8, trước khi các nhà máy lớn ở khắp nơi trên thế giới như châu Phi, Đông Nam Á đều gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật, bảo dưỡng. Điều đó đã khiến giá phân ure tăng mạnh trong hơn 1 tháng qua. Tại Trung Quốc, giá phân ure từ mốc 2.210 CNY/Tấn đã đạt mốc 2.683 CNY/Tấn tại phiên giao dịch ngày 7/8/2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nguồn cung bị thắt chặt.
Các nước nhập khẩu phân ure lớn nhất từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay. (Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bloomberg)
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Do đó, bất kỳ động thái hạn chế nguồn cung nào ra thị trường quốc tế từ Trung Quốc có thể đẩy giá mặt hàng này tăng cao hơn.
Trước thông tin từ Trung Quốc, phiên giao dịch ngày 8/9/2023 cổ phiếu phân bón và hoá chất là tâm điểm. Có cổ phiếu các công ty phân đạm ở Việt Nam như DPM, DCM, DDV đã “trần cứng”.
Năm 2022, các doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Hà Bắc (DHB), Hóa chất Đức Giang (DGC), Hóa chất Việt Trì (HVT)... cũng đã ghi nhận lợi nhuận bùng nổ, tăng bằng lần so với năm 2021 do giá phân bón tăng đột biến sau khi Nga dừng xuất khẩu mặt hàng này.
Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2023 lại trái ngược hoàn toàn so với nửa đầu năm 2022 khi nhiều doanh nghiệp ngành phân bón hóa chất đã ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh do qua thời kỳ đỉnh cao.
Cụ thể, Đạm Cà Mau (DCM) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 giảm tới hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ xuống còn hơn 6.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 542 tỷ đồng, giảm mạnh chỉ bằng 1/5 kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Đây là cũng là tình hình chung với nhiều doanh nghiệp phân bón hóa chất. Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) thậm chí còn ghi lợi nhuận âm 480 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.300 tỷ đồng.
Lý do giá phân bón giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 là do chi phí sản xuất giảm và chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc khiến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng. Giá phân bón có lúc giảm hơn 50% so với đỉnh ghi nhận trong năm 2021.
Do vậy, trước thông tin tạm dừng xuất khẩu phân ure của Trung Quốc, giới đầu tư kỳ vọng, việc thiếu hụt nguồn cung thế giới sẽ là cơ hội cho DPM, DCM, DDV tiến ra thị trường thế giới để hưởng lợi về giá. Bởi Việt Nam trong nhiều năm qua là quốc gia thừa nguồn cung về ure, Việt Nam cũng được cho là không chịu áp lực trước khủng hoảng lương thực khi mà nguồn cung gạo ở Việt Nam vẫn rất dồi dào.
Ngoài ra, Việt Nam còn chuẩn bị bước vào vụ lúa đông - xuân cho nên nhu cầu tiêu thụ ure của thị trường trong nước cũng sẽ được đẩy mạnh vào các tháng cuối năm 2023 và đầu 2024.
Mới đây trong báo cáo phân tích ngành phân bón của Chứng khoán BSC đã có đánh giá tích cực về triển vọng ngành này với dự báo sản lượng và giá bán phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm. Theo đó, giá phân bón trong nước sẽ duy trì xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023 để bắt kịp đà tăng của giá ure thế giới. BSC ước tính trong hai quý cuối năm, giá ure trong nước có thể tăng lên mức 11.500 – 11.800 VND/kg, tương ứng 25 – 30% so với mức đáy đầu tháng 6.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước trong hai quý cuối năm sẽ tiếp tục cải thiện nhờ: (1) nhu cầu chăm bón trong mùa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và Đông Xuân tại khu vực phía Bắc (mùa vụ chính trong năm) và (2) Giá phân bón đã giảm về mức thấp trong bối cảnh giá gạo neo ở mức cao đã cải thiện khả năng chi trả của người dân.
Bên cạnh đó, BSC cũng kỳ vọng phục hồi của thị trường xuất khẩu tác động tích cực đến các doanh nghiệp phân bón . Sản lượng phân bón xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 so với mức nền thấp trong nửa đầu năm nhờ: (1) Ai Cập – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất ure và (2) Ấn Độ - thị trường nhập khẩu phân bón lớn trên thế giới có động thái tăng nhập khẩu Ure cho mùa vụ cuối năm.
Đạm Cà Mau (DCM): Chờ đề xuất áp thuế VAT cho phân bón có hiệu lực
Không áp thuế VAT cho phân bón: Người nông dân chịu thiệt hại kép