Trung Quốc tung 'vũ khí' đất hiếm, cả Mỹ và EU đều có thể trở thành nạn nhân
Với vai trò là nguồn cung chủ yếu toàn cầu, các biện pháp mới từ Bắc Kinh đang làm gia tăng lo ngại tại phương Tây trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Trung Quốc vừa áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với một số nguyên tố đất hiếm và các sản phẩm liên quan — những thành phần then chốt trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ, đồng thời là trọng tâm trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các biện pháp được công bố hôm 4/4 dự kiến sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp Mỹ, do những nguyên tố này được sử dụng trong nhiều công nghệ tiên tiến như laser quang học, thiết bị radar, nam châm công suất lớn dùng cho tuabin gió, lớp phủ động cơ phản lực, hệ thống liên lạc và nhiều thiết bị công nghệ cao khác.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Trung Quốc hiện là nhà cung cấp đất hiếm thống trị toàn cầu, chiếm gần 70% sản lượng thế giới. Từ năm 2020 đến 2023, quốc gia này cung cấp khoảng 70% lượng hợp chất và kim loại đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu.

Những biện pháp hạn chế này có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng tuabin gió ngoài khơi tại châu Âu cũng như Mỹ, theo phân tích của chuyên gia Oliver Metcalfe.
“Ngành công nghiệp tuabin gió ngoài khơi của châu Âu có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến trả đũa của Trung Quốc nhằm vào Mỹ”, ông nhận định. Được biết Mỹ hiện phụ thuộc đáng kể vào nguồn linh kiện tuabin gió ngoài khơi từ châu Âu, đặc biệt là các bộ phát điện.
Giới phân tích ước tính rằng mỗi đơn vị công suất tuabin gió ngoài khơi sử dụng lượng đất hiếm nhiều gấp gần 4 lần so với tuabin gió trên bờ.
Trước sự thống trị của Trung Quốc, các nước phương Tây đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ông Trump từng nhắm đến nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào tại Greenland, thậm chí đề xuất khả năng tiếp quản vùng lãnh thổ thuộc Đan Mạch này. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn ký kết thỏa thuận cung ứng với Ukraine.
Danh sách đất hiếm bị kiểm soát xuất khẩu công bố hôm 4/4 bao gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium. Trước đó, vào năm ngoái, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu germanium và gallium.
Theo Reuters
>> Thương mại Mỹ - Trung va chạm: Cú sốc kép có thể 'đánh sập' nền kinh tế 115.000 tỷ USD?
Điều khiến Trung Quốc ‘chơi rắn’ với đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump
Được bơm 5,7 tỷ USD giải cứu, chứng khoán Trung Quốc 'xanh mướt'