Trước thềm ĐHCĐ 2023: MB (MBB) và tâm điểm nợ xấu, trái phiếu

04-04-2023 11:49|Hoàng Yến

Với những con số về nợ xấu, trái phiếu thể hiện trên báo cáo tài chính, MB chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về vấn đề này trong ĐHCĐ thường niên tới đây.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) mới đây đã chốt lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 25/4 tại Hà Nội. Trước thềm sự kiện này, nhiều vấn đề nóng đang được các cổ đông ngân hàng quan tâm.

Nợ xấu, trái phiếu vẫn nóng trước thềm ĐHCĐ

Năm 2022, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm. Với mức lợi nhuận trên, ngân hàng đã vượt qua “ông lớn” VietinBank để duy trì vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng ngân hàng lãi nhiều nhất trong năm 2022, chỉ sau Vietcombank, Techcombank và BIDV.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong quý 4/2022 của MB ghi nhận nhiều con số không mấy lạc quan. Cụ thể, mặc dù, thu nhập lãi thuần mang về cho MBBank 9.630 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ nhưng các mảng kinh doanh khác đều tăng trưởng âm, trong đó giảm mạnh nhất là lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh (giảm 90%), lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác cũng đi lùi, lần lượt giảm 60% và 50,3%.

Theo đó, kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương lũy kế cả năm 2022 trên đến từ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối, song song với đó là việc ngân hàng gần như giữ nguyên chi phí dự phòng rủi ro.

Trước thềm ĐHCĐ 2023: MB (MBB) và tâm điểm nợ xấu, trái phiếu
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý 4/2022 của MB

Đáng chú ý, trong năm 2022, nợ xấu của MBBank tăng “phi mã” 54% lên hơn 5.030 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp 2,8 lần so với năm 2021, lên mức 2.293 tỷ đồng và chiếm gần một nửa tổng nợ xấu của MBBank, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%. Một chi tiết đáng chú ý là MB cũng đang là “chủ nợ” dài hạn lớn nhất của Novaland với 3.100 tỷ đồng nợ dài hạn và 150 tỷ đồng nợ ngắn hạn.

Bên cạnh đó, MB cũng đang là nhà băng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 46.870 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với cuối năm 2021.

Trước thềm ĐHCĐ 2023: MB (MBB) và tâm điểm nợ xấu, trái phiếu
Top 10 ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất (Đơn vị: Tỷ đồng).

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, ông Lưu Trung Thái, CEO của MB từng cho biết, kinh doanh bất động sản và bất động sản công nghiệp trên tổng dư nợ của MB được kiểm soát dưới 10%. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm gần 4% trên tổng dư nợ, với hai nhóm chính là bất động sản và năng lượng.

“Trước giờ nhà băng này đầu tư chủ yếu là trái phiếu dự án, tức là có dự án, có mục đích kinh doanh, có kế hoạch dòng tiền. Đây đều là những nhà đầu tư có chất lượng tốt, không có gì đáng lo ngại", CEO MB khẳng định.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu cùng với một số vụ việc tiêu cực liên quan đến mối quan hệ ngân hàng và trái phiếu gần đây, MB chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều câu hỏi về vấn đề này trong ĐHCĐ thường niên 2023 được tổ chức vào ngày 25/4 tới đây.

Những triển vọng mới...

Trong báo cáo mới nhất về MB, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có nhận định, về lâu dài, MBB sẽ tiếp tục đặt được tăng trưởng từ thu nhập lãi, nhờ vào lợi thế chi phí huy động vốn thấp cùng với lợi suất tài sản gia tăng. Ngoài ra, với tiềm năng từ các nguồn thu phí từ phân khúc bancassurance và tài chính tiêu dùng, nhóm phân tích này kỳ vọng, MB sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng của mình khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn vào năm 2024.

Có thể thấy, trong năm 2022, hoạt động của MB đã cho thấy rất nhiều tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng trong tương lai. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm 2022 ghi nhận con số ấn tượng trên cả cơ sở hợp nhất và riêng lẻ, lần lượt là khoảng 25% và 23%, một trong những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong ngành.

Tăng trưởng huy động cũng MB cũng đạt 19,6% so với đầu năm, dẫn đầu là huy động khách hàng tăng 15,3% và giấy tờ có giá tăng 44,4%. Đáng chú ý, tỷ lệ CASA của MB đã giảm xuống hơn 40% vào cuối năm 2022 theo xu hướng của ngành nhưng số dư thực tế đã được cải thiện và tỷ lệ CASA đã vượt Techcombank để giữ vị trí đầu ngành.

Việc thâm nhập bán lẻ đã đem đến cho MB nguồn tiền gửi không kỳ hạn tương đối dồi dào khi một nửa số dư CASA đến từ khách hàng cá nhân. Tỷ lệ CASA của phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng đạt vào khoảng 60%-63%. Theo chia sẻ của ngân hàng, việc hợp tác với Viettel Pay (hoạt động theo giấy phép của MBB) và Tân Cảng Sài Gòn cũng giúp nâng cao CASA của MB trong vài năm qua.

Bên cạnh đó, MB cũng thể hiện tiềm năng tương đối lớn về mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Năm 2022, ngân hàng ghi nhận doanh thu bảo hiểm đạt 2.143 tỷ đồng, là ngân hàng duy nhất có doanh thu vượt 2.000 tỷ đồng và bỏ xa VIB ở vị trí thứ hai với 1.868 tỷ đồng.

Trước thềm ĐHCĐ 2023: MB (MBB) và tâm điểm nợ xấu, trái phiếu
Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS tổng hợp

Về tiềm năng của cổ phiếu MBB, các chuyên gia từ VDSC nhận định, giá cổ phiếu trong ngắn hạn có thể điều chỉnh do những rủi ro từ vĩ mô cùng với biến động thị trường, tuy nhiên định giá hiện tại của cổ phiếu này là tương đối hấp dẫn trong trung hạn. Kết phiên giao dịch ngày 3/4/2023, cổ phiếu MBB tăng mạnh 2,19%, đạt mức 18.700 đồng/cổ phiếu.

Bà cụ đến MBBank yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản nước ngoài, nhân viên ngân hàng thấy dấu hiệu bất thường lập tức báo công an

7 giao dịch lớn, mua giá trần 19 triệu cổ phiếu ACB

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truoc-them-dhcd-2023-mb-mbb-va-tam-diem-no-xau-trai-phieu-176846.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trước thềm ĐHCĐ 2023: MB (MBB) và tâm điểm nợ xấu, trái phiếu
    POWERED BY ONECMS & INTECH