Từ 15/9, ngân hàng sẽ phải ‘dự phòng vốn’ nhiều hơn khi kinh tế nóng lên
Kể từ 15/9, NHNN có thể yêu cầu ngân hàng tăng thêm vốn phản chu kỳ lên đến 2,5% nhằm kiểm soát rủi ro khi thị trường có dấu hiệu bất ổn.
Cùng với yêu cầu nâng tỷ lệ an toàn vốn và áp dụng bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), Thông tư số 14/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước còn bổ sung quy định về bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) – một lớp bảo vệ tài chính bổ sung, được áp dụng linh hoạt tùy theo biến động kinh tế.
Đồng thời, cơ chế quy đổi ngoại tệ và vàng khi tính rủi ro vốn cũng được quy định rõ, nhằm hạn chế biến động tỷ giá và đầu cơ tài sản.
Bộ đệm vốn phản chu kỳ: “tăng vốn khi thời thế thay đổi”
Theo Thông tư, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical Capital Buffer – CCyB) nếu được yêu cầu. Đây là phần vốn lõi cấp 1 bổ sung ngoài ba tỷ lệ cơ bản (vốn lõi cấp 1, vốn cấp 1, tỷ lệ an toàn vốn) và bộ đệm bảo toàn vốn (CCB, nếu có).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người có thẩm quyền quyết định tỷ lệ CCyB trong khoảng từ 0% đến tối đa 2,5%, tùy theo từng thời kỳ, nhằm phản ứng kịp thời với mức độ tăng trưởng tín dụng nóng, bong bóng tài sản hoặc biến động kinh tế vĩ mô.
Việc áp dụng CCyB giúp hệ thống ngân hàng có khả năng hấp thụ tổn thất tốt hơn trong các giai đoạn kinh tế suy giảm, đồng thời ngăn chặn xu hướng “rút vốn quá nhanh” khi thị trường đảo chiều.
Quy định chặt chẽ về quy đổi ngoại tệ và vàng
Khi tính toán tỷ lệ an toàn vốn, các khoản mục bằng ngoại tệ và vàng phải được quy đổi sang đồng Việt Nam theo nguyên tắc kế toán rõ ràng, hạn chế rủi ro tỷ giá.
Với ngoại tệ:
- Nếu ngày tính vốn không phải là ngày cuối tháng/quý/năm, áp dụng tỷ giá hạch toán do NHNN quy định.
- Nếu là ngày cuối tháng/quý/năm:
- Ngân hàng hạch toán bằng VND: áp dụng tỷ giá quy đổi lập bảng cân đối kế toán.
- Ngân hàng hạch toán bằng ngoại tệ: dùng tỷ giá chuyển đổi báo cáo tài chính sang VND theo quy định NHNN.
Với vàng:
- Nếu có kinh doanh vàng: sử dụng giá niêm yết bán ra của chính ngân hàng tại cuối ngày báo cáo.
- Nếu không kinh doanh vàng: sử dụng giá niêm yết bán ra của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu vàng tại thời điểm cuối ngày.
- Nếu ngày báo cáo không phải ngày làm việc: áp dụng tỷ giá hoặc giá vàng của ngày làm việc liền trước.
Quy định này nhằm đảm bảo tính nhất quán, hạn chế thao túng giá và kiểm soát rủi ro trong hoạt động quy đổi ngoại tệ – vàng, đặc biệt với những ngân hàng có hoạt động đầu tư tài sản lớn.
NHNN được quyền yêu cầu nâng tỷ lệ vốn với ngân hàng có rủi ro cao
Ngoài các mức tỷ lệ được ấn định cụ thể, Thông tư 14/2025 cũng trao quyền linh hoạt can thiệp cho Ngân hàng Nhà nước trong một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể, căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, NHNN có thể:
- Yêu cầu một ngân hàng duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mức tối thiểu nếu phát hiện rủi ro hoặc sai lệch nghiêm trọng.
- Quyết định áp dụng CCyB với từng ngân hàng cụ thể.
- Áp dụng tỷ lệ bộ đệm vốn bổ sung với những ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống, nhằm đảm bảo ổn định thị trường tài chính.
Thông tư cũng nêu rõ, các ngân hàng cần cập nhật kịp thời thay đổi về quy định kế toán, chuẩn báo cáo tài chính, cũng như phương pháp đo lường rủi ro để đảm bảo tính chính xác khi tính toán tỷ lệ an toàn vốn.
Thông tư 14/2025/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/9/2025, kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế như Basel III, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với các cú sốc kinh tế trong nước và toàn cầu.