Từ BYD đến Huawei, doanh nghiệp Trung Quốc ‘đua nhau’ ứng dụng DeepSeek
DeepSeek đang tạo nên làn sóng mới tại Trung Quốc khi hàng loạt doanh nghiệp, từ các hãng ô tô, công ty tài chính đến nhà mạng viễn thông, đổ xô thử nghiệm và tích hợp công nghệ này.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng mô hình AI mới nhất của DeepSeek để cải thiện năng suất.
Trong những tuần gần đây, DeepSeek đã gây chú ý trên toàn cầu nhờ khả năng lập luận vượt trội và chi phí thấp hơn so với đối thủ ChatGPT của OpenAI - bất chấp những hạn chế của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến.
Tám hãng ô tô (bao gồm BYD) cùng ít nhất 9 công ty chứng khoán, 3 nhà mạng viễn thông nhà nước và thương hiệu điện thoại Honor nằm trong số những doanh nghiệp đã nhanh chóng tích hợp DeepSeek chỉ trong tuần qua.
Những ông lớn điện toán đám mây như Alibaba, Huawei, Tencent và Baidu cũng cung cấp các giải pháp giúp khách hàng tiếp cận mô hình AI mới nhất của DeepSeek.
"Từ tốc độ áp dụng, quy mô tích hợp đến sự đa dạng của các ngành tham gia, điều này là chưa từng có tiền lệ", Wei Sun, nhà phân tích chính về AI tại Counterpoint Research, nhận xét.
![Từ BYD đến Huawei, doanh nghiệp Trung Quốc ‘đua nhau’ ứng dụng DeepSeek - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_14-_shutterstock2237077731-750x406_txgp.jpg)
Tác động lan rộng đến thị trường
Sự lạc quan về AI cũng tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Trung Quốc. Theo UBS, cổ phiếu AI Trung Quốc đã tăng 15% từ đầu năm đến nay, vượt trội hơn 9% so với chỉ số MSCI China.
Yếu tố thúc đẩy sự quan tâm mạnh mẽ này một phần đến từ thời điểm ra mắt. DeepSeek tung ra mô hình R1 mới nhất vào ngày 20/1, và ngay sau đó, tin tức về khả năng lập luận chi phí thấp của AI này đã khiến cổ phiếu công nghệ toàn cầu lao dốc vào ngày 27/1 - trùng với dịp hàng triệu lao động tại Trung Quốc trở về quê đón Tết Nguyên đán.
Điều này giúp AI trở thành chủ đề thảo luận không chỉ giới hạn trong các đô thị lớn mà còn lan rộng đến nhiều khu vực khác.
"Đây là một bước ngoặt trong việc phổ cập AI, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái", Wenhao Zhang, CEO công ty tư vấn tiếp thị Doodod tại Bắc Kinh, bình luận.
Công ty Doodod, chuyên cung cấp dịch vụ phân tích mạng xã hội cho các khách hàng như Toyota, đã bắt đầu nghiên cứu DeepSeek từ cuối năm ngoái và đẩy mạnh sử dụng sau khi phiên bản R1 ra mắt vào cuối tháng 1.
![Từ BYD đến Huawei, doanh nghiệp Trung Quốc ‘đua nhau’ ứng dụng DeepSeek - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_14-_448533_gxth.jpg)
AI nguồn mở giúp doanh nghiệp giảm chi phí
Một điểm hấp dẫn khác của DeepSeek là mô hình này được phát hành dưới dạng mã nguồn mở, cho phép cá nhân và doanh nghiệp tải xuống và tùy chỉnh theo nhu cầu.
DeepSeek cũng cam kết chi phí ứng dụng thấp hơn đáng kể so với OpenAI. Trong khi đó, ChatGPT không được cung cấp chính thức tại Trung Quốc, yêu cầu người dùng phải có số điện thoại và phương thức thanh toán từ các quốc gia được hỗ trợ như Mỹ.
"DeepSeek thay đổi suy nghĩ rằng AI chỉ dành cho các tập đoàn lớn với chi phí triển khai cao", James Tong, CEO Movitech - công ty cung cấp phần mềm doanh nghiệp với khách hàng như Danone và tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, nhận định.
Movitech đã tích hợp một phiên bản trước đó của DeepSeek từ quý IV/2023 và nhờ đó doanh thu tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. Công ty dự kiến ra mắt một ứng dụng mới tích hợp DeepSeek vào cuối tháng 3 để hỗ trợ khách hàng ra quyết định hiệu quả hơn.
Sự cạnh tranh của DeepSeek đang tạo áp lực lên những mô hình AI đắt đỏ hơn, buộc các đối thủ phải giảm giá, giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận công nghệ này dễ dàng hơn.
![Từ BYD đến Huawei, doanh nghiệp Trung Quốc ‘đua nhau’ ứng dụng DeepSeek - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2025_02_14-_telemmglpict00040975369417379692362520transnvbqzqnjv4bqdodrzidds8jxpvz-xfuvrwjprv3mewc1jib4hawdeje_qkfo.jpg)
Không phải lựa chọn duy nhất
Mặc dù DeepSeek đang được doanh nghiệp Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt, điều đó không có nghĩa đây sẽ là mô hình AI duy nhất thống lĩnh thị trường. Cả Mỹ và Trung Quốc đang liên tục tung ra các mô hình mới.
Movitech cũng đang sử dụng mô hình AI Qwen của Alibaba, trong khi HangHang A - công ty đã đầu tư hàng trăm triệu nhân dân tệ vào phát triển giải pháp AI - tích hợp nhiều mô hình khác nhau.
Dù giá AI đang giảm, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể do dự trong việc triển khai rộng rãi do chi phí điện toán và tùy chỉnh còn cao.
Tuy nhiên, theo dự báo của Gartner, đến năm 2027, chi phí truy cập AI sinh sinh sẽ giảm xuống còn chưa đến 1% so với hiện tại.
Đến năm 2029, khoảng 60% doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tích hợp AI vào sản phẩm và dịch vụ chính, biến đây thành động lực tăng trưởng doanh thu hàng đầu.
Theo CNBC