Bất động sản

Từ nay đến năm 2030, thành phố đông dân nhất Việt Nam sẽ triển khai tới 88 dự án hạ tầng

Phương Hà 05/07/2024 22:00

Dự kiến tổng nhu cầu vốn để đầu tư 88 dự án hạ tầng này là 272.316 tỷ đồng.

Sở GTVT TP. HCM đã có tờ trình gửi UBND TP. HCM về ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Trong loạt 88 dự án được đề xuất triển khai từ nay đến năm 2030, có những cung đường thường xuyên ùn tắc ở TP. HCM sẽ được mở rộng.

TP. HCM sẽ ưu tiên triển khai 88 dự án hạ tầng giao thông

TP. HCM sẽ ưu tiên triển khai 88 dự án hạ tầng giao thông

Cụ thể, TP. HCM sẽ ưu tiên đầu tư 6 dự án cao tốc, đường kết nối với các tuyến cao tốc với tổng số vốn đầu tư là 42.506 tỷ đồng. Danh mục cụ thể gồm: đường kết nối với cao tốc cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, nâng cấp đường dẫn cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, mở rộng đường dẫn cao tốc TP. HCM - Trung Lương, đường nối cao tốc TP. HCM - Chơn Thành.

Trong danh mục cũng đề xuất đầu tư nút giao Gò Công và làm nhánh nối Xa lộ Hà Nội đến nút giao Gò Công trên đường Vành đai 3 TP. HCM.

>> Một doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ ‘bí kíp’ để giúp Việt Nam gỡ ‘nút thắt’ hạ tầng giao thông

Đối với các tuyến quốc lộ sẽ ưu tiên đầu tư 4 dự án gồm nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22 và đầu tư Quốc lộ 50B với tổng vốn đầu tư 39.138 tỷ đồng.

Các tuyến đường vành đai sẽ đầu tư 7 dự án gồm các đoạn của đường Vành đai 2, Vành đai 4 với tổng vốn đầu tư 44.317 tỷ đồng.

Ngoài ra, sẽ đầu tư 12 dự án nút giao và cầu lớn như cầu: Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Cát Lái; 19 dự án đường đô thị; 9 dự án đường liên khu vực; 18 dự án đường thủy; 11 dự án bến bãi giao thông tĩnh...

Dự kiến tổng nhu cầu vốn để đầu tư 88 dự án là 272.316 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP. HCM là 198.697 tỷ đồng (chiếm 73%); còn vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP dự kiến là 69.256 tỷ đồng (khoảng 25%).

Theo Sở GTVT TP. HCM, danh mục này nhằm xác định các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách tham gia thực hiện dự án theo quy định (công tác chuẩn bị đầu tư; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình…).

Đây cũng là cơ sở để kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện dự án đảm bảo phát huy hiệu quả, công khai minh bạch.

TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.

Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.

>> TP. HCM sẽ có thêm tuyến tàu điện nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Công viên Văn hoá Đầm Sen?

Tuyến đường dài nhất TP. HCM sở hữu 6 làn xe là dự án nối tới 'viên ngọc xanh' của thành phố

TP. HCM sẽ có thêm tuyến tàu điện nối sân bay Tân Sơn Nhất đến Công viên Văn hoá Đầm Sen?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tu-nay-den-nam-2030-thanh-pho-dong-dan-nhat-viet-nam-se-trien-khai-toi-88-du-an-ha-tang-d126932.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ nay đến năm 2030, thành phố đông dân nhất Việt Nam sẽ triển khai tới 88 dự án hạ tầng
    POWERED BY ONECMS & INTECH