Thế giới

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’

Diệp Thảo 27/09/2024 - 07:31

Nhà sản xuất chip Intel đang đối mặt với “tâm bão” khi liên tiếp bỏ lỡ các cơ hội về AI và chậm trễ trong sản xuất.

Từng là một tên tuổi hàng đầu của Thung lũng Silicon, Intel luôn là trụ cột trong ngành sản xuất chip máy tính trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tập đoàn này đã đánh mất vị thế dẫn đầu khi không nắm bắt kịp thời sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong nhiều thập kỷ, Intel dẫn đầu về thiết kế và sản xuất chip. Hàng loạt các cơ hội bị bỏ lỡ trong những năm qua đã góp phần gây ra những thách thức tài chính hiện tại của công ty.

Cuối tuần qua, giới công nghệ xôn xao trước thông tin Qualcomm đang tìm cách mua lại Intel, tập đoàn công nghệ có lịch sử 56 năm, từng đặt nền tảng cho hàng loạt tiến bộ công nghệ được thế giới sử dụng rộng rãi hiện nay. Việc giải cứu Intel đã khơi mào các cuộc tranh luận về vai trò của Mỹ trong ngành công nghiệp chip toàn cầu và cuộc chiến giành quyền thống trị trong kỷ nguyên điện toán tăng tốc.

Intel đã cố gắng điều chỉnh lộ trình của mình trong nhiều năm. Vào năm 2021, công ty đã đưa CEO Pat Gelsinger, cựu CEO của VMware và là một lãnh đạo lâu năm của Intel, trở lại nhằm khôi phục lại vị thế dẫn đầu của mình trong ngành chip.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 1
Mọi ánh mắt đang đổ dồn vào thương vụ gây chấn động Thung lũng Silicon, khi Qualcomm đang tiếp cận Intel với ý định mua lại. Ảnh: Getty

Gần đây, Intel đã được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của Đạo luật CHIPS và Khoa học để mở rộng khả năng sản xuất vi mạch tại bang Arizona, Mỹ. Công ty cũng thực hiện một loạt thương vụ mua lại nhằm bắt kịp trong việc phát triển các cấu trúc tiên tiến hơn và hưởng lợi từ sự bùng nổ của AI.

Nỗ lực sản xuất tại Mỹ của Intel là một canh bạc lớn cho tương lai của công ty. Mỗi nhà máy sản xuất mới có thể tiêu tốn hàng tỷ USD và cần ba đến bốn năm để hoàn thành, một khoảng thời gian mà Intel có thể không có đủ. Ngay cả khi Qualcomm mua lại Intel, hiện cũng chưa rõ họ sẽ làm gì với các hoạt động sản xuất của công ty.

Stacy Rasgon, một nhà phân tích cấp cao tại Bernstein Research, cho biết: "Họ đã bỏ lỡ cơ hội và cho đến tận bây giờ công ty vẫn đang cố gắng xây dựng mảng kinh doanh gia công chip theo hệ thống. Dù vậy, Intel thậm chí còn chưa chứng minh được rằng họ có thể tự sản xuất sản phẩm cho mình".

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 2

Intel từng đóng vai trò quan trọng trong sự bùng nổ của máy tính cá nhân (PC) vào những năm 1990, thiết kế và sản xuất các bộ vi xử lý tiên tiến. Với dòng CPU x86, Intel đã đẩy các đối thủ như AMD ra khỏi thị trường.

Do quá tập trung vào PC, Intel đã bỏ lỡ cơ hội khai thác sự phát triển của chip di động vào những năm 2000, một sai lầm lớn trong bối cảnh bùng nổ của iPhone.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với The Atlantic, cựu CEO của Intel Paul Otellini đã bày tỏ sự hối tiếc vì đã từ chối thỏa thuận với Apple để thiết kế và sản xuất chip cho iPhone trước khi chiếc điện thoại thông minh này được ra mắt. Hai công ty đã không đạt được thỏa thuận vì Intel cho rằng số lượng đơn hàng sẽ không đủ bù đắp chi phí sản xuất.

"Chúng tôi đã không giành được hợp đồng đó hoặc có thể nói là đã từ chối nó, tùy theo cách nhìn nhận. Và thế giới sẽ khác đi rất nhiều nếu chúng tôi đồng ý", ông Otellini nói với The Atlantic. "Nhìn lại, chi phí dự kiến đã sai và số lượng sản phẩm thực tế gấp 100 lần so với mọi người nghĩ".

Một cơ hội khác xuất hiện khi OpenAI tiếp cận Intel để kêu gọi đầu tư, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chip của Nvidia và xây dựng hạ tầng riêng cho AI. Thỏa thuận đã thất bại và theo báo cáo của Reuters, ban lãnh đạo của Intel vào thời điểm đó không nghĩ rằng các mô hình AI tạo sinh sẽ sớm ra mắt thị trường. Sự đánh giá sai lầm này đã gây tổn thất lớn cho Intel, khi OpenAI hiện nhận được hàng tỷ USD đầu tư từ Microsoft.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 3
Những sai lầm về mặt chiến lược cộng hưởng sự bùng nổ chóng vánh của trí tuệ nhân tạo, khiến tập đoàn bán dẫn danh tiếng lâu đời chao đảo dữ dội. Ảnh: WSJ

Trên thực tế Intel không phải không quan tâm đến AI. Từ năm 2010, công ty đã thực hiện ít nhất 4 nỗ lực để sản xuất chip AI, bao gồm việc mua lại hai công ty khởi nghiệp về chip AI như Nervana Systems và Habana Labs. Tuy nhiên, không nỗ lực nào trong số đó có thể cạnh tranh được với Nvidia hoặc AMD trên thị trường AI đang phát triển nhanh chóng và sinh lợi.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 4

Trong khi Intel tập trung vào bộ xử lý trung tâm (CPU), các đối thủ như AMD và Nvidia lại đặt cược vào bộ xử lý đồ họa (GPU), một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu điện toán tăng tốc, đặc biệt là trong đào tạo AI. "Họ thực sự không có lộ trình phát triển sản phẩm GPU", Stacy Rasgon nhận xét.

Intel đã có một chip đồ họa độc lập có tên Larrabee đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ vào năm 2009 và chuyển đổi thành nền tảng phát triển phần mềm sau khi không đạt được các mục tiêu về hiệu suất.

"Sự thống trị của Nvidia không đến từ may mắn. Nó đến từ tầm nhìn và khả năng thực hiện. Đây chính là những điều mà Intel còn thiếu", Bryan Catanzaro, Phó Chủ tịch nghiên cứu học sâu ứng dụng tại Nvidia, người trước đây từng làm thực tập sinh tại Intel trong dự án Larrabee, cho hay.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 5
Bộ xử lý đồ họa (GPU). Ảnh: Internet

CPU từng đưa Intel lên vị trí hàng đầu hiện nay đang phải đối mặt với điều mà Logan Purk, nhà phân tích cấp cao tại Edward Jones, gọi là "thách thức sáng tạo". Đây là thuật ngữ mô tả tình huống mà các công ty hoặc nhà phát minh gặp phải khi công nghệ hoặc sản phẩm mà họ đã phát triển thành công trong quá khứ trở nên lỗi thời hoặc bị thay thế bởi những công nghệ mới hơn.

"Tôi nghĩ ban lãnh đạo đã ngủ quên trên chiến thắng vì không có đối thủ cạnh tranh nào đủ mạnh mẽ để bám sát và buộc họ phải tiếp tục đổi mới", Purk nhận xét.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 6

Khách hàng và đối thủ của Intel đã chuyển hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để cắt giảm chi phí. Nhiều "nhà sản xuất chip" nổi tiếng mà chúng ta nghĩ đến ở Mỹ ngày nay thực sự không sản xuất chip. Nvidia, Qualcomm, AMD và tất cả các công ty khác thiết kế chip, sau đó họ thường để TSMC sản xuất chúng.

Năng lực sản xuất của Intel đã tụt hậu so với nhu cầu của khách hàng. Công ty gặp phải nhiều sự chậm trễ trong việc phát triển chip, trong khi TSMC đã xuất xưởng chip cho Apple, AMD và Qualcomm. Năm 2020, Intel thông báo trì hoãn sản xuất chip 7nm do một "chế độ lỗi" ảnh hưởng đến thế hệ chip tiếp theo của họ. Trong khi đó, Samsung và TSMC đã công bố năng lực sản xuất tiên tiến hơn, đặt thêm nhiều bóng bán dẫn vào vi xử lý, khiến Intel bị tụt lại phía sau.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 7
Năm 2020, Intel thông báo trì hoãn sản xuất chip 7nm do một "chế độ lỗi" ảnh hưởng đến thế hệ chip tiếp theo. Ảnh: Internet

Sau 15 năm sử dụng chip của Intel trên các dòng MacBook, Apple cũng đã ra mắt thiết kế chip nội bộ M1 vào năm 2020 và thuê TSMC gia công.

Intel hiện đang đặt cược vào chip 18A và chip trung tâm dữ liệu Xeon. Theo thông báo mới nhất của CEO Gelsinger, Intel có kế hoạch thành lập công ty con độc lập, với một ban điều hành sẽ giám sát hoạt động của xưởng đúc. Ông cho biết doanh nghiệp đúc sẽ có tính độc lập cao hơn, ví dụ như có thể huy động vốn bên ngoài. Được biết, đơn vị đúc đã tách hoạt động tài chính của mình khỏi hoạt động thiết kế vào đầu năm nay.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 8

Một đợt cứu trợ bằng tiền mặt có thể sắp diễn ra. Qualcomm, nhà sản xuất chip di động, đã tiếp cận Intel để mua lại mảng thiết kế chip và sau đó là một thỏa thuận sáp nhập, theo Reuters và WSJ. Ngoài ra, công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, có trụ sở tại Mỹ, cũng đã đề nghị đầu tư tới 5 tỷ USD vào nhà sản xuất chip này.

Các Giám đốc điều hành của Intel đã cân nhắc đề xuất của Apollo, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận này đang trong giai đoạn sơ bộ và chưa được hoàn tất.

"Nếu Intel được mua lại bởi Qualcomm, Broadcom hoặc bất kỳ công ty chip lớn nào khác, đó sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất từng diễn ra trong ngành chip. Thực sự là một bước ngoặt lớn", Dan Morgan, một nhà quản lý danh mục đầu tư tín thác cấp cao tại Synovus, cho hay.

Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’ - ảnh 9
Vài năm trước, ý tưởng về việc Qualcomm thâu tóm Intel có thể chỉ là suy nghĩ viển vông. Ảnh: WSJ

Thương vụ sáp nhập này cũng có thể thúc đẩy nỗ lực của chính quyền Biden trong việc đưa Mỹ trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu, đồng thời tạo ra một đối thủ có khả năng thách thức sự thống trị của Nvidia trong thị trường chip AI, Morgan nói thêm.

Mặc dù thương vụ mua lại này có thể giúp Qualcomm đa dạng hóa sản phẩm, tuy nhiên việc tiếp quản Intel sẽ là một thử thách khó khăn. Các nhà phân tích cho rằng nó sẽ không giải quyết được các điểm yếu của nhà sản xuất chip này.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Qualcomm có giữ lại hoạt động sản xuất của Intel trong trường hợp đạt được thương vụ hay không. Hoạt động kinh doanh của Intel rất khác so với Qualcomm - công ty thuê ngoài toàn bộ việc sản xuất chip.

"Giờ đây, bạn không chỉ mua lại mảng máy tính và máy chủ của họ, mà còn mua cả những vấn đề trong hoạt động sản xuất của họ. Đó là một gánh nặng rất lớn", Morgan nhận định.

Việc sản xuất chip cực kỳ phức tạp và tốn kém. Năm ngoái, Intel chi tiêu đến 25,8 tỷ USD, tương đương khoảng 48% doanh thu của công ty. Trong khi đó, tổng chi tiêu vốn của Qualcomm trong năm tài chính gần nhất là 1,5 tỷ USD, chỉ hơn 4% doanh số.

Theo Business Insider, WSJ, Reuters

>> ‘Gã khổng lồ’ Intel đứng trước ngã ba đường: Giá trị lao dốc, 15.000 nhân viên sắp mất việc, được ngỏ ý mua lại nhưng bị loạt rào cản pháp lý ‘chặn đứng’

Chuyên gia: Việc Qualcomm mua lại Intel là ‘vô lý’

Thương vụ sáp nhập của Intel và Qualcomm gây lo ngại về luật chống độc quyền

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tu-vua-chip-den-muc-tieu-bi-thau-tom-chuoi-that-bai-keo-sap-de-che-intel-ceo-thua-nhan-hoi-han-vi-ngu-quen-tren-chien-thang-127393.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ ‘vua chip’ đến mục tiêu bị thâu tóm: Chuỗi thất bại kéo sập đế chế Intel, CEO thừa nhận hối hận vì ‘ngủ quên trên chiến thắng’
    POWERED BY ONECMS & INTECH