Thương vụ này đã trở thành sự kiện M&A đắt giá nhất trong ngành bia châu Á.
Chi 110.000 tỷ đồng thâu tóm Sabeco, ThaiBev nhận về 9.300 tỷ đồng cổ tức
ThaiBev hoàn tất thương vụ thâu tóm Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vào cuối năm 2017 sau khi công ty liên quan là Vietnam Beverage đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ lên đến 110.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD thời điểm đó) và trở thành sự kiện M&A đắt giá nhất trong ngành bia châu Á.
Với tầm nhìn và tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam để tạo bàn đạp cho khu vực Đông Nam Á, bước đi này là "đích" đến đối với ông chủ Thái Lan. Kể từ khi về tay người Thái, Sabeco chia cổ tức rất “thoáng tay”.
Trước năm 2017, tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân của Sabeco thường dao động trong khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty này thường dao động quanh mức 35 - 50%, và tất cả đều được thanh toán bằng tiền mặt. Điều này đồng nghĩa mỗi năm, cổ đông Thái Lan đều đặn nhận về hàng nghìn tỷ đồng từ Sabeco.
Sabeco chi trả cổ tức đều đặn các năm. |
Lũy kế đến nay, chủ thương hiệu Bia Sài Gòn đã đem về cho cổ đông Thái Lan khoảng 9.280 tỷ đồng tiền cổ tức.
>> Một doanh nghiệp ngành bia rượu sắp chi gần 2.000 tỷ đồng trả cổ tức
Lãnh đạo đương nhiệm của Sabeco cũng bày tỏ tự hào với tỷ lệ trả cổ tức như hiện nay. Trong báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Koh Poh Tiong khẳng định công ty sẽ tiếp tục cam kết đầu tư vào các cơ hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và tối đa hóa giá trị cho cổ đông. Định hướng này cho phép Sabeco mang đến cho cổ đông khoản thu nhập cổ tức bền vững và tăng dần theo thời gian, phù hợp với triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty.
Tính ra, trong vòng 6 năm qua, ThaiBev đã thu về khoảng gần 9.300 tỷ đồng cổ tức, tương ứng 8,4% tổng số vốn đầu tư ban đầu. Ước tính bình quân mỗi năm ThaiBev thu về 1,4% vốn bỏ ra (từ nhận cổ tức).
Đây là một con số khá khiêm tốn trong bối cảnh lãi suất trên thị trường thế giới đang ở mức rất cao. Lãi suất cơ bản của Mỹ là 5,5%/năm và lãi suất thương mại khoảng 6 - 7%/năm. Trong khi đó, lãi suất ở châu Á khoảng 8 - 10%/năm.
Đi vay tiền để đầu tư, ThaiBev còn lại những gì?
Trong thương vụ thâu tóm Sabeco của Việt Nam, ThaiBev và công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo Limited đã thực hiện 6 khoản vay khác nhau, tổng số tiền tương đương 5 tỷ USD.
Trong đó, ThaiBev vay 100 tỷ Baht, tương đương khoảng 3,05 tỷ USD từ các ngân hàng của Thái Lan; còn BeerCo vay 1,95 tỷ USD thông qua hai ngân hàng đầu mối là Mizuho Bank chi nhánh Singapore và Standard Chartered chi nhánh Singapore. Các khoản vay có thời hạn 2 năm.
Đặt phép tính, ThaiBev đi vay 5 tỷ USD, với lãi suất khoảng 8%/năm, ông lớn Thái phải trả lãi khoảng 410 triệu USD, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng/năm. Ước tính trong 6 năm qua, ThaiBev chi khoảng 50-60 nghìn tỷ đồng tiền lãi.
Đáng chú ý, kể từ cuối năm 2017, vốn hóa của Sabeco cũng giảm rất mạnh. Hồi cuối năm 2017, cổ phiếu SAB có giá có lúc lên tới hơn 320.000 đồng/cp (giá điều chỉnh khoảng hơn 150.000 đồng/cp). So với thị giá hiện tại 65.500 đồng/cổ phiếu, SAB mất đi khoảng 56% giá trị.
Vốn hóa khoản đầu tư của tỷ phú Thái cũng tương ứng giảm đi 56%, còn khoảng 2,2 tỷ USD.
Diễn biến giá cổ phiếu 5 năm gần đây của SAB. |
Đều đặn chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao mỗi năm, nhưng về kết quả kinh doanh, nhà đầu tư không khó nhận ra doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam đang hụt hơi.
Tình hình kinh doanh những năm gần đây của Sabeco. |
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Sabeco chỉ ghi nhận doanh thu thuần 21.941 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.288 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 24% so với cùng kỳ năm trước.
Với kế hoạch doanh thu cả năm 40.272 tỷ đồng và lãi ròng 5.775 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành lần lượt 54% và 57% chỉ tiêu dù đã gần hết năm.
>> Sau mùa hè rực lửa, hai ông lớn ngành bia Habeco (BHN) và Sabeco (SAB) kinh doanh ra sao?
Mất trắng vốn, Sabeco quyết thoái sạch khỏi một công ty liên kết
Một cổ phiếu sàn HoSE phá đỉnh lịch sử sau khi chốt trả cổ tức bằng tiền cao kỷ lục