Thế giới

Tuyên bố giảm 97% lượng gạo nhập từ Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khẩn cấp tung 1,3 triệu tấn để bình ổn giá

Đăng Đức 28/07/2025 - 14:04

Chính phủ nước này cũng sẽ tăng cường giám sát để đảm bảo gạo được phân phối theo chương trình bình ổn giá gạo quốc gia không bị trộn lẫn với các loại gạo chất lượng cao hơn, trong nỗ lực ngăn chặn hành vi gian lận trên thị trường.

Theo số liệu từ Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Indonesia đạt 2,65 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2025, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Tuy nhiên, trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã giảm tới 96,7% so với cùng kỳ năm 2024, từ mức 141,6 triệu USD tại cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,55 triệu USD tại kỳ này. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia 2 tháng đầu năm nay cũng giảm từ 219.165 tấn xuống còn 10.691 tấn.

Tuyên bố giảm 97% lượng gạo nhập từ Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khẩn cấp tung 1,3 triệu tấn để bình ổn giá - ảnh 1
Công nhân khuân vác các bao gạo lớn tại kho của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) ở thành phố Semarang, tỉnh Trung Java, Indonesia ngày 26/2/2025 - Ảnh: Antara/Aprillio Akbar

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia giảm trong bối cảnh Chính phủ “xứ sở vạn đảo” mới đây đã ra thông báo về kế hoạch không nhập khẩu gạo năm 2025 do đã đảm bảo mục tiêu tự cung tự cấp loại nông sản quan trọng được coi là “hạt ngọc trời” này.

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ngừng nhập khẩu gạo, chuyển sang tự cung tự cấp chỉ trong 5 tháng: Việt Nam sắp bị vượt mặt?

Theo hãng thông tấn Antara, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Lương thực Indonesia Zulkifli Hasan tại sự kiện Triển vọng kinh tế Indonesia 2025 tại Jakarta ngày 26/2 cho biết, với sản lượng gạo trong nước ước đạt tới 34 triệu tấn, Indonesia sẽ không cần phải nhập khẩu gạo trong năm nay.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia cũng sẽ xuất kho 1,3 triệu tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm bình ổn giá sau khi kết thúc vụ thu hoạch chính, ông Zulkifli Hasan cho biết hôm 25/7.

Theo Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Lương thực Indonesia, khi bước vào vụ gieo trồng thứ hai trong mùa khô, sản lượng gạo không còn đáp ứng được nhu cầu thị trường.

“Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã được chỉ đạo đẩy nhanh các hoạt động can thiệp thị trường. Chúng tôi đã có sẵn 1,3 triệu tấn gạo sẵn sàng tung ra thị trường, nhưng việc này sẽ được giám sát chặt chẽ”, ông Zulkifli nói với báo chí sau một cuộc họp điều phối tại văn phòng của mình ở thủ đô Jakarta.

Tuyên bố giảm 97% lượng gạo nhập từ Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khẩn cấp tung 1,3 triệu tấn để bình ổn giá - ảnh 2
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Lương thực Indonesia Zulkifli Hasan - Ảnh: Beritasatu.com/Muhammad Farhan

Ông cho biết, việc kết thúc mùa thu hoạch đã khiến giá gạo tăng cao so với các tháng trước, phản ánh số liệu từ Bộ Nội vụ Indonesia cho thấy gạo là mặt hàng đóng góp nguyên nhân lớn thứ 3 gây ra lạm phát lương thực.

“Trong vụ gieo trồng thứ hai, nhu cầu gạo tăng trong khi sản lượng giảm, dẫn đến giá cao hơn”, ông Zulkifli giải thích.

>> Sắp ký hợp đồng quan trọng với Việt Nam, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ điều tra 26 thương hiệu gạo lớn

Đáng chú ý, Chính phủ Indonesia cũng sẽ tăng cường giám sát để đảm bảo gạo được phân phối theo chương trình bình ổn giá gạo quốc gia (SPHP) không bị trộn lẫn với các loại gạo chất lượng cao hơn, trong nỗ lực ngăn chặn hành vi gian lận mặt hàng này trên thị trường.

“Gạo SPHP phải được phân phối theo đúng hình thức dự kiến mà không được trộn lẫn với loại gạo khác”, ông Zulkifli nhấn mạnh.

Trước đó, trong tuần vừa qua, ông Arief Prasetyo Adi – người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) đã kêu gọi Bulog đảm bảo việc phân phối gạo SPHP được thực hiện đúng đối tượng, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp.

“Chính phủ muốn việc phân phối gạo SPHP thật chính xác. Chúng tôi đã yêu cầu Bulog đảm bảo các bao gạo 5kg đến được đúng tay người cần”, ông Arief nói hôm 21/7.

Ông Arief cho biết thêm, gạo SPHP được Nhà nước Indonesia trợ giá nên không được mở bao hay trộn lẫn với các loại gạo khác trên thị trường để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của chương trình.

Việc phân phối cũng đang được nhiều cơ quan giám sát chặt chẽ, bao gồm lực lượng chuyên trách về an ninh lương thực của Cảnh sát Quốc gia và Tổng cục Bảo vệ Người tiêu dùng và Tuân thủ Thương mại thuộc Bộ Thương mại của nước này.

Theo Mekong ASEAN/Jakarta Globe

>> Giá gạo tăng gần 100%, Thủ tướng có thể từ chức sau chưa đầy 1 năm: Chuyện gì xảy ra ở siêu cường châu Á?

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bạo chi 15 tỷ USD mua năng lượng từ Mỹ: Chuyên gia cảnh báo dễ phản tác dụng

Lo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hủy bỏ ‘siêu hợp đồng’ 34 tỷ USD, ông Trump vội giảm thuế 13%?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tuyen-bo-giam-97-luong-gao-nhap-tu-viet-nam-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-khan-cap-tung-13-trieu-tan-de-binh-on-gia-147697.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tuyên bố giảm 97% lượng gạo nhập từ Việt Nam, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khẩn cấp tung 1,3 triệu tấn để bình ổn giá
    POWERED BY ONECMS & INTECH