Thế giới

Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ 4 năm, nợ gần 133.550 tỷ đồng

Đăng Đức 25/07/2025 12:35

Quỹ tài sản Nhà nước Indonesia Danantara đã lên kế hoạch tái cơ cấu khoản vay hơn 5,11 tỷ USD của tuyến Jakarta - Bandung để cứu vãn hiệu quả tài chính và giữ chân các doanh nghiệp Nhà nước trong “cuộc chơi” mạo hiểm này.

Tờ Jakarta Post ngày 24/7 đưa tin Chính phủ Indonesia một lần nữa khẳng định cam kết thúc đẩy việc mở rộng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung (gọi tắt là Whoosh) đến Surabaya, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia rằng khoản lỗ lớn của siêu dự án này hiện tại có thể khiến việc mở rộng trở thành một bước đi đầy rủi ro.

Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ 4 năm, nợ gần 130.000 tỷ đồng - ảnh 1
Tàu điện cao tốc của Indonesia do Trung Quốc hỗ trợ, kết nối Jakarta và Bandung mang tên “Whoosh”, đỗ tại ga Halim ở Jakarta vào ngày 2/10/2023 - Ảnh: Reuters/Willy Kurniawan

Theo đó, quỹ tài sản Nhà nước Indonesia Danantara có kế hoạch tái cơ cấu khoản vay của dự án đường sắt cao tốc (HSR) Whoosh nối từ thủ đô Jakarta đến thành phố Bandung (tỉnh Tây Java) như một phần trong các chương trình chiến lược của mình trong năm 2025, với một số phương án dự kiến sẽ được trình lên Chính phủ.

>> Từ chối Nhật Bản chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc huyết mạch 188.000 tỷ đồng hoàn thành sau 7 năm thi công

“Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng tuyến đường sắt cao tốc này và sẽ sớm báo cáo. Một số giải pháp mà chúng tôi sẽ thảo luận và trình lên Chính phủ để xử lý các vấn đề liên quan”, Giám đốc vận hành (COO) Danantara, ông Dony Oskaria phát biểu hôm thứ Tư (23/7), theo trích dẫn từ trang Kompas.com.

Tái cơ cấu nợ (Debt Restructuring) là quá trình đàm phán lại các điều khoản của khoản nợ hiện có, nhằm giúp người vay có thể tiếp tục trả nợ mà không cần phải tuyên bố phá sản. Đối tượng vay có thể là cá nhân, doanh nghiệp hoặc thậm chí là một quốc gia.

Tại một cuộc họp Ủy ban công tác cùng ngày với Ủy ban VI của Hạ viện Indonesia – cơ quan giám sát thương mại, công nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước, ông Dony giải thích rằng chương trình tái cơ cấu khoản vay Whoosh là 1 trong 22 dự án chiến lược mà Danantara dự định triển khai trong phần còn lại của năm nay.

Ngoài ra, quỹ Nhà nước này cũng có kế hoạch tái cấu trúc các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, sản xuất thép và bảo hiểm ở Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Được khánh thành vào tháng 10/2023, tuyến Jakarta - Bandung là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á. Dự án trị giá 7,3 tỷ USD (hơn 190.785 tỷ đồng) đã khiến các doanh nghiệp Nhà nước Indonesia tham gia phải gánh khoản nợ 4,55 tỷ USD được vay từ năm 2017, cộng thêm khoản vay 560 triệu USD khác để bù chi phí đội vốn trong năm 2023. Tổng cộng, dự án tàu điện cao tốc tuyến Jakarta - Bandung (Whoosh) đang phải gánh khoản nợ lên tới 5,11 tỷ USD (gần 133.550 tỷ đồng).

Video trải nghiệm của hành khách trên chuyến tàu điện cao tốc Jakarta - Bandung (Whoosh) có vận tốc tối đa 350km/h - Nguồn clip: YouTube/DiscoverByRail

Ông Dony cho biết việc tái cơ cấu khoản vay của dự án Whoosh là cần thiết để duy trì hiệu quả hoạt động của liên danh doanh nghiệp Nhà nước tham gia dự án, đặc biệt là Tổng công ty Đường sắt Indonesia PT Kereta Api Indonesia (KAI), đơn vị nắm giữ cổ phần lớn nhất trong liên danh vận hành tuyến Whoosh, PT Pilar Sinergi BUMN Indonesia (PSBI).

>> Chọn nhà thầu Trung Quốc, tuyến đường sắt cao tốc trọng điểm chậm tiến độ 4 năm và đội vốn hơn 7 tỷ USD

Theo tờ Jakarta Post, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung (còn gọi là Whoosh, viết tắt theo tiếng Anh của “tốc độ cao, hiện đại và năng động”) ban đầu được “xứ sở vạn đảo” lên kế hoạch hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2019. Tuy nhiên, do hàng loạt khó khăn như giải phóng mặt bằng, vướng mắc môi trường, đại dịch Covid‑19 và các sự cố kỹ thuật, tiến độ đã bị kéo dài đáng kể.

Cuối cùng, tuyến HSR này đã bắt đầu vận hành thương mại chính thức vào ngày 2/10/2023, trễ tới gần 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Đơn vị thi công chính của siêu dự án đường sắt cao tốc Whoosh còn được gọi là High‑Speed Railway Contractor Consortium (HSRCC), do PT Wijaya Karya (Indonesia) cùng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc (chiếm 70%) như CREC, China Railway Design Corp, CRRC Sifang và CRSC đảm nhiệm phần xây dựng cầu, đường ray, nhà ga và hầm…

Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ 4 năm, nợ gần 130.000 tỷ đồng - ảnh 2
Bản đồ tuyến đường sắt cao tốc Whoosh nối Jakarta đến Bandung - Ảnh: Wikimedia Commons

Siêu dự án Whoosh có tốc độ thiết kế tàu điện cao tốc lên đến 350 km/h với tổng chiều dài quãng đường khoảng 142,3 km, giúp hành khách rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ Jakarta đến Bandung chỉ còn khoảng 40 phút (thay vì 3–4 tiếng di chuyển bằng ô tô).

Theo Jakarta Post/The People’s Map Of Global China

>> Chọn nhà thầu Trung Quốc thay Nhật Bản, siêu dự án tàu cao tốc hơn 7 tỷ USD chậm tiến độ 7 năm vừa có bước tiến mới

Từ chối nhà thầu Trung Quốc, đồng ý bắt tay Nhật Bản: Dự án đường sắt 400.000 tỷ đồng nguy cơ chậm tiến độ 4 năm

Chọn nhà thầu Trung Quốc cho dự án phục hồi tuyến đường sắt huyết mạch dài 1.300km, vốn đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chon-nha-thau-trung-quoc-du-an-duong-sat-cao-toc-cham-tien-do-4-nam-no-gan-130000-ty-dong-147531.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đường sắt cao tốc chậm tiến độ 4 năm, nợ gần 133.550 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH