Tuyến cao tốc 30.000 tỷ lớn nhất phía Nam, đắt thứ 2 Việt Nam sắp thông xe gần 10km
Tuyến cao tốc này có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, hiện là cao tốc đắt thứ 2 Việt Nam với bình quân là 510 tỷ đồng/km.
Khởi công vào năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km, đi qua tỉnh Long An (2,7km), TP. Hồ Chí Minh (26,4km) và Đồng Nai (28,7km), rộng 24m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100km/h.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng này hiện là cao tốc đắt thứ 2 Việt Nam với bình quân là 510 tỷ đồng/km. Giữ vị trí thứ nhất là cao tốc Hải Phòng - Hạ Long với 557 tỷ đồng/km.
Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, giảm ùn tắc cho TP. HCM. Dự án được xây dựng với quy mô mặt đường rộng 24m 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.
Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) đã có tờ trình gửi Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông để đưa vào khai thác tạm 2 đoạn đường thuộc cao tốc này.
Cụ thể, hai đoạn đường được khai thác tạm vào tháng 11/2024 lần lượt là: đoạn đường dài 3,4km từ nút giao cao tốc TP. HCM - Trung Lương (Long An) đến Quốc lộ 1 (TP. HCM) và đoạn đường dài 6,1km từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (Đồng Nai).
Nút giao với đường dẫn vào cảng Phước An cơ bản xong cầu vượt đi qua vòng xoay, đang thi công các đường nối vào cao tốc. Còn một đoạn dài hơn 200m vẫn đang thi công. Nút giao này giúp lưu thông hàng hóa khi cảng Phước An đi vào hoạt động.
Đoạn nhánh phía Đông của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thiện các hạng mục như: trải nhựa đường, sơn kẻ làn, lắp đặt hệ thống biển báo…
Về đoạn đường dài 3,4km thuộc nhánh phía Tây đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như cao tốc thuộc nhánh phía Đông. Tuy nhiên, vẫn chưa được tiến hành thông xe vì đang chờ khoảng 250m đoạn ráp nối của dự án Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua tỉnh Long An.
Cách nút giao khoảng 300m, trạm thu phí của cao tốc Bến Lức - Long Thành với 10 làn xe đang thi công những hạng mục cuối cùng, chuẩn bị đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang phấn đấu thông xe 18,8km, đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (TP. HCM) trước Tết Nguyên đán 2025. Như vậy, đoạn đường 18,8km cộng với 3,4km được nêu ở trên tạo thành một đoạn liền mạch dài hơn 22km.
Trước đó, VEC kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2026, thêm 5 tháng so với kế hoạch dự kiến để dự phòng khó khăn phát sinh chưa lường hết.
Lý do của việc lùi tiến độ là do nhà thầu Nhật Bản không tiếp tục thực hiện Gói thầu J3 (Xây dựng cầu Phước Khánh và đường dẫn), phía JICA thống nhất không tiếp tục tài trợ cho khối lượng còn lại của gói thầu, VEC phải tự thu xếp vốn để hoàn thành.
Cao tốc cũng góp phần làm giảm áp lực giao thông lên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 cũng như tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện hữu.
>> Động thổ tuyến đường 'huyết mạch' gần 1.500 tỷ kết nối cao tốc, sân bay Long Thành
Đường cao tốc nối đô thị đặc biệt của Việt Nam với Thái Nguyên sẽ được mở rộng lên 6 làn xe
Trung Quốc đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc 152km 'siêu đặc biệt'