Tuyến Vành đai 4 TP. HCM dự kiến khởi công vào năm 2026
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND TP. HCM cho biết, tuyến đường được thi công xây dựng bắt đầu từ quý I-II/2026.
Mới đây, UBND TP. HCM đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP. HCM lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo nội dung báo cáo, dự án đường Vành đai 4 TP. HCM trải dài qua TP. HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Đây là một trong những dự án thuộc nhóm công trình trọng điểm quốc gia, với chủ trương đầu tư được Quốc hội quyết định.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) của dự án ước tính khoảng 122.774 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí lãi vay.
Sơ đồ tuyến Vành đai 4 TP. HCM. Nguồn ảnh: VnExpress |
Theo kế hoạch, trong hai tháng cuối năm 2024, TP. HCM sẽ phối hợp cùng các tỉnh liên quan để hoàn thiện hồ sơ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.
Dự kiến, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được trình phê duyệt vào quý I/2025. Tiếp theo, Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được trình phê duyệt trong quý II và quý III/2025. Quý IV/2025, công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ được triển khai.
Song song đó, việc bàn giao mặt bằng dự kiến bắt đầu vào quý IV/2025. Các dự án thành phần, bao gồm đường song hành và đường gom, sẽ khởi công trong quý I và quý II/2026. Đến năm 2028, dự án hoàn thành và chính thức đưa vào vận hành khai thác.
>> TP. HCM sẽ chạy 17 tuyến xe buýt miễn phí kết nối tới tuyến Metro số 1 trong 30 ngày
Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện, UBND TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua một số cơ chế đặc thù.
Cụ thể, cơ chế thứ nhất đề xuất nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong tổng mức đầu tư lên không quá 70% (thay vì 50% theo quy định hiện hành).
Lý do là một số dự án thành phần có tổng mức đầu tư lớn do khối lượng giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình phức tạp như cầu lớn, xử lý đất yếu, trong khi lưu lượng giao thông giai đoạn đầu chưa cao. Việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ tạo sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.
Cơ chế thứ hai đề nghị giao UBND các tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư.
Tuyến Vành đai 4 TP. HCM sẽ khởi công vào năm 2026. Nguồn ảnh: Báo Lao động |
Đây là tuyến đường liên vùng thuộc trách nhiệm ngân sách Trung ương nhưng cơ chế này sẽ giúp tối ưu hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, thúc đẩy tiến độ triển khai.
Cơ chế thứ ba cho phép UBND cấp tỉnh đầu tư các công trình trên địa giới hành chính giáp ranh và hỗ trợ tài chính cho các địa phương khác nhằm đảm bảo tính đồng bộ.
Cơ chế thứ tư là áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, lập quy hoạch điều chỉnh phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thi công hạ tầng khu tái định cư. Việc này sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 4 tháng, đảm bảo dự án sớm khởi công và hoàn thành đúng kế hoạch.
Cơ chế thứ năm đề xuất miễn thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công nếu mỏ khoáng sản này đã nằm trong hồ sơ khảo sát phục vụ dự án.
Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng kiến nghị các cơ chế khác như điều chỉnh trình tự, thủ tục thẩm định chủ trương đầu tư; cho phép địa phương phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch liên quan và đơn giản hóa hơn nữa quy trình thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu.
>> Thanh tra Chính phủ: 20 cơ sở nhà đất ngoài sân bay chưa được ACV hoàn tất thủ tục pháp lý