Doanh nghiệp

Tỷ giá USD/VND vượt đỉnh lịch sử: Những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?

Hồ Nga 21/08/2023 07:30

Nhiều doanh nghiệp ôm hàng nghìn tỷ đồng nợ vay bằng USD, có cả khoản vay lãi suất thả nổi. Liệu công ty có đang "ngồi trên đống lửa" khi tỷ giá tăng mạnh?

Những tuần gần đây thị trường tài chính Việt Nam đang nóng 2 từ “tỷ giá”. Tỷ giá liên tục tăng mạnh tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD.

Những điều này cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.

Biến động tỷ giá tác động thế nào tới những doanh nghiệp có nợ vay bằng đồng USD?

Nếu xét áp lực từ thị trường ngoại hối, chỉ USDIndex đã tăng trở lại, vượt 103,3 điểm sau khi mất mốc 100 điểm trong tháng 7. Đáng chú ý, không chỉ đồng VND, mà các đồng tiền trong khu vực cũng đang chịu chung áp lực tỷ giá gia tăng.

Tỷ giá liên tục tăng, những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?

MBS Research cho rằng mặc dù áp lực lên đồng VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Khó có khả năng NHNN đảo chiều chính sách. Tuy nhiên, diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Ngân hàng Trung Ương Mỹ có động thái hạ lãi suất vào năm sau.

Đáng chú ý, tỷ giá tăng cao sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Do vậy các doanh nghiệp cần nhất là đánh giá mức tác động để có thể chủ động trong các bước tiếp theo. Các doanh nghiệp đang có những giao dịch xuất nhập khẩu trực tiếp, cần chú ý nhất tới những biến động này. Tuy vậy, ở tầm nhìn xa hơn, những doanh nghiệp đang có những khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD sẽ chịu chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá tăng cao.

Thực tế, các chuyên gia cho rằng, tác động biến động tỷ giá lên mỗi doanh nghiệp, mỗi khoản vay là hoàn toàn khác nhau. Tác động lớn nhất là những khoản vay ngắn hạn, lãi suất thả nổi. Còn với những khoản vay dài hạn, áp lực lãi vay và lỗ tỷ giá sẽ đến chậm hơn khi đến kỳ đánh giá tại giá trị khoản vay.

Những doanh nghiệp nào đang vay ngoại tệ nhiều nhất?

Trong các doanh nghiệp trên sàn, thống kê cho thấy TOP 20doanh nghiệp đi vay nợ nhiều nhất có tổng dư nợ vay tài chính khoảng 676.400 tỷ đồng - một con số khổng lồ. Trong số đó nợ ngắn hạn khoảng 336.90 tỷ đồng và vay nợ dài hạn khoảng 339.500 tỷ đồng. Tuy vậy không phải phần lớn trong số đó là nợ ngoại tệ.

Tỷ giá liên tục tăng, những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?

Vingroup (VIC) có tổng nợ vay 176.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 49.700 tỷ đồng là vay hợp vốn với nguyên tệ là USD. Tuy vậy với Vingroup, những khoản vay hợp vốn này đều có kỳ hạn dài. Chỉ một số khoản vay tổng giá trị khoảng 6.600 tỷ đồng là đến hạn trả trong năm 2024.

Những doanh nghiệp vay ngoại tệ USD nhưng cơ cấu nợ vay dài hạn như Vingroup sẽ bớt chịu áp lực hơn trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh như hiện nay. Bên cạnh đó, Vingroup cũng ghi nhận các khoản vay USD của công ty có lãi suất cố định theo hợp đồng hoán đổi với mức lãi suất từ 4,1% đến 9,15%. Báo cáo tài chính ghi nhận trong 6 tháng, Vingroup chi hơn 6.90 tỷ đồng trả lãi vay các loại.

Novaland (NVL): Ở nhóm bất động sản, cái tên đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là Novaland (NVL) – doanh nghiệp đang gồng mình trong nợ nần, và cũng đang từng bước tháo gỡ khó khăn cả về pháp lý một số dự án, cũng như đám phán, cơ cấu các món nợ.

Tính đến hết quý 2/2023 tổng nợ phải trả của Novaland hơn 61.500 tỷ đồng, trong đó có 43.100 tỷ đồng nợ trái phiếu. Số còn lại ngoài nợ trái phiếu là các khoản vay ngân hàng (9.100 tỷ đồng) và vay bên thứ 3 (gần 9.900 tỷ đồng).

Trong số các khoản vay ngân hàng của Novaland, có khoản vay ngắn hạn tương ứng 1.730 tỷ đồng tại Credit Suisse AG chi nhánh Singapore. Theo báo cáo, đây là khoản vay bằng USD với lãi suất 4,25%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần và đã được giải ngân 250 triệu USD, số còn lại 23,5 tỷ đồng tương ứng 1 triệu USD được giải ngân từ Vietcombank.

Khoản vay ngắn hạn tại The Hongkong and Sanghai Banking Corporation Limited chi nhánh Singapore (134,5 tỷ đồng) – đây là khoản vay có hạn mức 10 triệu USD, kỳ hạn 360 ngày. Khoản vay này chịu lãi suất kép tham chiếu CFR cộng 2,6%/năm, được trả định kỳ 3 tháng/lần. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu NVL.

Khoản vay ngắn hạn tại Deutsche Investments (101 tỷ đồng), và dư nợ vay dài hạn hơn 203 tỷ đồng – là khoản vay hạn mức 20 triệu USD, thời hạn 96 tháng, lãi suất 5,1%/năm, lãi suất được trả định kỳ 6 táng/lần. Tại

Ngoài ra tại ngân hàng Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry và Maybank International Labuan Branch có các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, trong đó dư nợ vay ngắn hạn gần 100 tỷ đồng và dư nợ vay dài hạn hơn 850 tỷ đồng. Đây là khoản vay có hạn mức 41 triệu USD do Vietinbank là dại lý và đại diện nhận xử lý tài sản đảm bảo. Đây là các khoản vay có kỳ hạn 30 tháng, lãi suất tính theo SOFR cộng với biên độ 5,5%/năm.

Ngoài các khoản vay ngoại tệ bằng tiền, Novaland còn có khoản trái phiếu chuyển đổi phát hành cho Credit Suisse AG gàn 7.100 tỷ đồng bằng đồng đô la Mỹ. Gói trái phiếu tổng giá trị 300 triệu USD đáo hạn vào tháng 7/2026 với lãi suất 5,25%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.

Tỷ giá liên tục tăng, những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?

Đối với Novaland, các khoản “vay bên thứ 3” cũng phần lớn là các khoản vay ngoại tệ bằng USD, bao gồm 6.300 tỷ đồng vay ngắn hạn và 3.385 tỷ đồng vay dài hạn. Đáng chú ý những khoản vay này có lãi suất khá cao. Ví dụ khoản vay số với Seatown Private Credit Master Fund dư nợ 2.084 tỷ đồng p là khoản vay hạn mức tối đa 110 triệu USD với lãi suất 6%/năm, lãi trả định kỳ 6 tháng/lần. Novaland còn phải trả thêm một khoản tiền để đảm bảo cho bên cho vay nhận được IRR mục tiêu là 14%/năm khi hết hạn hợp đồng vay.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 11,360 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số đó là các khoản vay vốn ODA với lợi thế thời gian cho vay dài, lãi suất thấp. Đáng chú ý, chiếm gần hết trong số nợ vay của ACV là vay vốn từ Chính phủ Nhật Bản. Tổng chi trả lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2023 của ACV hơn 34 tỷ đồng và ghi nhận 311 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá (10 tỷ đồng) và lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cuối kỳ (301 tỷ đồng).

FPT đang gánh khoản nợ vay hơn 19.500 tỷ đồng, trong đó cơ cấu nợ ngắn hạn đến 19.300 tỷ đồng - chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ vay. Trong tổng nợ vay của FPT, có cả những khoản vay ngoại tệ bằng đồng đô là và đồng Yên Nhật. Tổng giá trị vay đồng đô la Mỹ là hơn 279,6 triệu USD, tương ứng khoảng 6.576 tỷ đồng, chiếm 33% tổng vay nợ. Ngoài ra còn có hơn 21,79 triệu JPY tương ứng hơn 3.800 tỷ đồng.

Khoản vay ngoại tệ bằng đồng USD và cả JPY của FPT đã gia tăng nhanh chóng trong năm 2023 vừa qua. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, dư vay USD đã tăng từ 81,3 triệu đầu năm lên 279,6 triệu USD. FPT cho biết cũng đã phòng ngừa rủi ro bằng cách sử dụng các giao dịch hoán đổi ngoại tệ và mua ngoại tệ trong tương lai. Bên cạnh đó FPT có nguồn thu từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ thu bằng tiền USD và JPY để có thể chi trả cho các khoản vay. Do vậy với FPT, dù tỷ trọng vay ngoại tệ là lớn so với tổng nợ vay, tuy vậy lợi thế giao dịch 2 chiều sẽ giúp công ty giảm thiểu được nhiều rủi ro khi tỷ giá tăng mạnh.

Tỷ giá liên tục tăng, những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?

Cơ điện lạnh (REE) có tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đến hết quý 2/2023 gần 10.800 tỷ đồng, trong đó có 9.580 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Cơ cấu nợ vay với khoản nợ dài hạn chiếm 89% lại đang là lợi thế của REE khi tỷ giá biến động mạnh.

Trong số các khoản vay ngân hàng, REE cũng có những khoản vay ngoại tệ, chủ yếu bằng đồng USD. Trong đó khoản vay Ngân hàng Raiffeisen Landesbank Oberosterreich hơn 18,91 triệu USD (448 tỷ đồng) là khoản vay dài hạn đến tháng 6/2029. Ngoài ra còn khoản vay Tập đoàn tài chính quốc tế IFC với số dư hơn 43,22 triệu USD (1.025 tỷ đồng) cũng là khoản vay dài hạn đến tháng 3/2033. Bên cạnh đó còn có khoản vay tại ngân hàng Phát triển Việt Nam bằng đô la Mỹ với số dư 3,93 triệu USD (93 tỷ đồng).

Không chỉ các khoản vay bằng USD, Cơ điện lạnh REE cò có khoản vay bằng EUR với số dư ngoại tệ 12,85 triệu EUR (338 tỷ đồng)

PC1 có những khoản vay bằng USD với lãi suất thả nổi. PC1 có lẽ là một trong số ít những doanh nghiệp vay ngoại tệ lượng lớn với lãi suất thả nổi. Báo cáo cho thấy tổng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của PC1 đến hết quý 2/2023 hơn 10.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 8.100 tỷ đồng nợ dài hạn.

Các khoản vay tài chính dài hạn của PC1 có nhiều khoản vay bằng đồng USD tổng 3.838 tỷ đồng. Trong đó có 2 khoản vay tổng giá trị 1.490 tỷ đồng là vay với lãi suất cố định lãi suất từ 4,65%/năm đến 5,51%/năm.

Đáng chú ý nhất là các khoản vay với lãi suất thả nổi tổng giá trị 2.352 tỷ đồng. Đây là khoản vay kỳ hạn đến năm 2036.

Tỷ giá liên tục tăng, những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?

Các doanh nghiệp có các khoản vay bằng đô la Mỹ nhiều còn có POW (gần 2.400 tỷ đồng) trong tổng số hơn 8.000 tỷ đồng nợ tài chính.

Khi tỷ giá liên tục tăng

Khi tỷ giá tăng mạnh, nỗi lo của các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ ngày càng lớn. Đầu tiên là những doanh nghiệp vay với lãi suất thả nổi như PC1, hệ quả phải gánh đến sớm nhất.

Tháng 7 đang đầu quý 3, những khó khăn doanh nghiệp thực sự công bố vẫn là ở kỳ báo cáo tài chính quý 3. Tuy vậy áp lực lên các doanh nghiệp nợ vay lớn là không tránh khỏi.

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, doanh nghiệp vay nợ bằng đồng đô la ảnh hưởng như thế nào?

Tỷ giá USD "dậy sóng", diễn biến những tháng cuối năm có đáng lo?

Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tỷ giá lại “nổi sóng”, NHNN yêu cầu giảm lãi vay thêm 2%

Tỷ giá trung tâm hạ nhiệt, giá USD ngân hàng mất mốc 24.000 đồng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ty-gia-lien-tuc-tang-nhung-doanh-nghiep-nao-dang-ganh-nang-no-vay-ngoai-te-nhieu-nhat-197350.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỷ giá USD/VND vượt đỉnh lịch sử: Những doanh nghiệp nào đang gánh nặng nợ vay ngoại tệ nhiều nhất?
POWERED BY ONECMS & INTECH