Chứng khoán

Tỷ phú Trần Đình Long đấu tranh bảo vệ ngành thép nội địa, nước đi táo bạo thay đổi cục diện thị trường?

Ánh Nguyệt 01/10/2024 19:30

Chủ tịch Trần Đình Long của Hòa Phát (HPG) đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ ngành thép nội địa, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ làn sóng nhập khẩu.

Ngành thép thế giới đối mặt với nhiều khó khăn từ nguồn cơn khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc

Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài tại Trung Quốc đã khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh, trong khi tồn kho vẫn cao ở mức 21,7 triệu tấn, cao hơn mức trung bình 5 năm là 19,6 triệu tấn. Đặc biệt, tồn kho thép HRC ghi nhận mức tăng 66% so với đầu năm 2024, chưa có dấu hiệu giảm.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép cây do Chính phủ Trung Quốc đưa ra có thể khiến hàng tồn kho khó bán hơn, dự kiến dẫn đến đợt bán tháo trước khi các quy định mới có hiệu lực vào tháng 9/2024. Giá thép cây dùng trong xây dựng hiện ở mức 490 USD/tấn - thấp nhất kể từ năm 2017, thép HRC dùng trong ô tô và đồ gia dụng rơi xuống 456 USD/tấn - mức thấp nhất trong 5 năm khiến nhiều nhà sản xuất lỗ nặng.

Do nhu cầu nội địa yếu, Trung Quốc buộc phải xuất khẩu thép giá rẻ sang các quốc gia khác, khiến giá thép tại Mỹ và châu Âu xuống dưới giá thành, gây ra cuộc chiến "cạnh tranh về giá". Các quốc gia Mỹ Latinh như Mexico, Chile và Brazil đã áp thuế lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 5/2024, thậm chí có trường hợp tăng thuế gấp đôi.

Tỷ phú Trần Đình Long đấu tranh bảo vệ ngành thép nội địa, nước đi táo bạo có thay đổi cục diện thị trường?
Làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc gây sức ép lên ngành thép thế giới (Nguồn: Chứng khoán Bảo Việt)

Nước cờ táo bạo của Hòa Phát có bảo vệ ngành thép trong nước?

Trước làn sóng ồ ạt của thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam gồm Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Lãnh đạo HPG cho biết rằng trong thời gian này, Trung Quốc dư cung quá lớn, sản xuất sản phẩm thừa so với nhu cầu nội địa. Theo đó, động thái khởi xướng cuộc phòng chống bán phá giá nhằm ngăn chặn các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh.

Mới đây, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Chủ tịch Trần Đình Long đề xuất nhiều biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Theo đó, ông Long cho rằng cần có văn bản cụ thể hóa rõ ràng các chính sách nhằm ủng hộ, bảo vệ sản xuất trong nước.

“Chúng tôi rất mong Chính phủ, các Bộ ban ngành có chính sách quy định cụ thể, ủng hộ và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước theo các quy định của Việt Nam và quốc tế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, ông Long kiến nghị với Chính phủ.

Ngoài ra, Chủ tịch Hòa Phát cũng nhấn mạnh cuộc cạnh tranh trong ngành thép là cực kỳ khốc liệt, hao tổn rất nhiều tiền.

“Tôi mong rằng trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thép có biện pháp hỗ trợ đặc biệt để nuôi dưỡng phát triển được doanh nghiệp sản xuất thép lớn. Ngành thép có lớn mạnh thì ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ phát triển, qua đó nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu”, ông Long khẳng định.

Tỷ phú Trần Đình Long đấu tranh bảo vệ ngành thép nội địa, nước đi táo bạo có thay đổi cục diện thị trường?
Tỷ phú Trần Đình Long đề xuất cơ chế bảo vệ ngành thép trong nước

Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 6 triệu tấn (tăng 32% so với cùng kỳ). Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ khoảng hơn 3 triệu tấn.

Bên cạnh đó, việc Dung Quất 2 của HPG sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 và tối đa công suất trong năm 2027 giúp nâng mức sản lượng HRC sản xuất nội địa lên 14 triệu tấn và đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa mà không cần nhập khẩu.

Do đó, động thái của Hòa Phát thể hiện sự quyết liệt trong việc bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực từ hàng hóa ngoại nhập. Nếu các chính sách bảo hộ được thực hiện hợp lý sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và mở rộng thị phần, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ.

>> Hòa Phát (HPG): Tỷ phú Trần Đình Long sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt 70 tỷ USD

Tuổi 36 của một đại gia ngành thép, liên tục bán tài sản để cứu nguy dòng tiền

Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ vào thời điểm dự án 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát vận hành?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ty-phu-tran-dinh-long-dau-tranh-bao-ve-nganh-thep-noi-dia-nuoc-di-tao-bao-thay-doi-cuc-dien-thi-truong-251291.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tỷ phú Trần Đình Long đấu tranh bảo vệ ngành thép nội địa, nước đi táo bạo thay đổi cục diện thị trường?
POWERED BY ONECMS & INTECH