Tuyên bố trên được vị Chủ tịch 64 tuổi cho biết trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát.
Sáng 11/4, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại khách sạn Melia Hà Nội.
Chia sẻ ngay đầu phiên họp, ông Trần Đình Long bộc bạch rằng mình đã 64 tuổi và đang rút ra dần. Vị tỷ phú cho biết hiện ông chỉ tham gia phần điều hành, chiến lược, nhân sự tổ chức... Còn phần điều hành hàng ngày ông không còn tham gia.
"Hòa Phát thành lập từ 1992, đến nay là 32 năm, lên sàn từ 2007, cũng là một quá trình đủ dài, tính công khai minh bạch cũng như vận hành rất rõ ràng. Sau quá trình dài xây dựng tổ chức, quy chế, Hòa Phát hiện nay tách bạch rất rõ. Nếu hỏi về hoạt động kinh doanh, mọi người đừng hỏi tôi vì sự thật là tôi đang rút ra dần ra. Năm nay tôi cũng đã 64 tuổi, bình thường theo Nhà nước là nghỉ hưu lâu rồi. Giờ đây, anh Nguyễn Việt Thắng làm là chính.
Cái gì về chiến lược, quy chế, nhân sự tổ chức cấp cao, vốn liếng sẽ do Hội đồng quản trị, do tôi đại diện phụ trách. Còn về điều hành hàng ngày, về thép, về giá bán tôi không biết đâu, vì có biết cũng chẳng để làm gì. Các việc như mua nguyên vật liệu, bán cho ai sẽ do ban điều hành làm. Nếu mọi người nghĩ cứ Hòa Phát là ông Long làm hết thì không phải đâu", Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ.
Tỷ phú Trần Đình Long cho biết bản thân đang rút ra dần ra khỏi hoạt động của Hòa Phát |
Trước đó, Chủ tịch Hòa Phát nhiều lần từng úp mở về chuyện thế hệ kế cận Tập đoàn. Thông thường, nhiều người suy nghĩ rằng có một người cha là người sáng lập, Chủ tịch thì chắc hẳn con của tỷ phú Trần Đình Long sẽ thay cha tiếp quản cơ nghiệp. Nhưng thực tế, vị tỷ phú ngành thép lại có cách dạy con hoàn toàn khác biệt.
Không như nhiều thiếu gia nghìn tỷ khác, con trai của ông Trần Đình Long rất kín tiếng, thậm chí còn chưa từng lộ mặt trước truyền thông. Dư luận chỉ biết đến Trần Vũ Minh là con trai ông chủ Hòa Phát khi cá nhân này mua cổ phiếu HPG thuộc diện phải công bố thông tin.
Ông Trần Đình Long từng thẳng thắn chia sẻ rằng, không có sự ưu ái nào dành cho con trai ông khi làm việc tại Tập đoàn. Ông rất ghét chuyện "con ông cháu cha", bởi thế, các con của ông muốn làm việc trong tập đoàn cũng phải có năng lực, tự trau dồi, đi dần dần từ nhỏ mà lên.
"Tôi cũng hướng con vào đây nhưng có làm được hay không thì không phải do mình, mà là do con. Hơn nữa, con tôi muốn làm cũng phải từ nhỏ mà lên, chứ không thể nghiễm nhiên ngồi ngay vào vị trí cao cấp. Cái đó ở Hòa Phát là không có đâu!", tỷ phú thép từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên Trí Thức Trẻ.
Ông Long cho biết, tại Hòa Phát, "con ông cháu cha" cũng phải làm việc như người bình thường, chứng minh năng lực của bản thân qua công việc thực tế. Không có chuyện con cái của lãnh đạo lại có thể được ưu ái hơn. Con trai ông Long khi làm việc ở công ty của bố cũng bắt đầu ở vị trí nhân viên vật tư suốt 2 năm trời, tự chứng minh năng lực bản thân qua công việc thực tế.
Chủ tịch Trần Đình Long và Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương là bạn thân thời đại học và đã cùng nhau đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Hoà Phát lớn mạnh như ngày nay. CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo bảng xếp hạng VNR500 của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report).
Với mong muốn hòa hợp cùng phát triển và phải hài hòa tất cả từ lãnh đạo, cán bộ, công – nhân viên, đối tác, các đại lý phân phối, ngay từ đầu, Hòa Phát đã không phát triển theo xu hướng công ty gia đình.
Thế hệ thứ hai của Hòa Phát hiện nay vẫn là những Phó Giám đốc, Giám đốc tại các công ty con được đào tạo bài bản và gắn bó hơn chục năm nay. Còn con trai của những thành viên lãnh đạo Hòa Phát, nếu đủ độ chín, sẽ là thế hệ thứ ba tại Hòa Phát.
Trên thực tế thì các con của ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương chưa từng xuất hiện trong danh sách ban lãnh đạo chủ chốt hay thành viên HĐQT Hoà Phát.
[Live] ĐHĐCĐ Hoà Phát (HPG): Tỷ phú Trần Đình Long 'khoe' thành tích
Tỷ phú Trần Đình Long dẫn đầu bứt phá tài sản, có giàu vượt ông Phạm Nhật Vượng?