Vẫn còn không ít băn khoăn về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

21-07-2023 07:26|Gia Nguyễn

Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, ủng hộ, đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần mới đây của Bộ Công Thương cũng nhận lại không ít băn khoăn về tính khả thi nếu đưa vào áp dụng…

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Dự thảo, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng, để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg - Ảnh minh họa: ITN

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Tại Dự thảo, Bộ Công Thương cũng đề xuất, nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được cơ quan này chấp thuận thì sẽ tăng giá. Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Đáng nói, khác với quy định hiện hành, thời gian điều chỉnh giá điện thực hiện trong 6 tháng/lần, Dự thảo đề xuất quy định thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Để kiểm tra, giám sát các chi phí, EVN có trách nhiệm gửi Bộ Công Thương báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện…

Trong đó, đề xuất quy định thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng/lần thay vì 6 tháng hiện nay nhận được sự quan tâm của dư luận - Ảnh minh họa: ITN

Đề xuất này của Bộ Công Thương nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó, nhiều chuyên gia đồng tình và cho rằng, việc điều chỉnh giá điện như đề xuất là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường.

Thông tin với báo chí, ông Trần Đình Long - Hội Điện lực Việt Nam nhìn nhận, việc quy định cụ thể biên độ tăng/giảm giá bán lẻ điện và thẩm quyền điều chỉnh sẽ làm căn cứ để giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá đầu vào của ngành điện. Thời gian điều chỉnh là 3 tháng thay vì 6 tháng như trước là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện cạnh tranh đang được vận hành.

Theo ông Long, thực tế vừa qua cho thấy, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng liên tục, đặc biệt là giá than, giá khí, xăng dầu... nếu không kịp thời cập nhật các chi phí, sẽ không đảm bảo được chi phí sản xuất, giá thành đầu vào cho ngành điện. Cần thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm.

Còn theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Cao đẳng điện lực miền Bắc, dù Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành từ năm 2017 nhưng việc thực thi lại không theo các quy định. Dẫn chứng là đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với mức giá năm 2019, như vậy, trong 4 năm trước đó, giá bán điện bình quân không được điều chỉnh, không được điều tiết theo tín hiệu thị trường.

Bên cạnh những đồng thuận, đề xuất về thời gian điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương tại Dự thảo vẫn còn đó không ít băn khoăn, e ngại vì cho rằng khoảng thời gian 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần là không khả thi.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, hiện thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất đến nay vẫn không thực hiện được, bây giờ lại thay đổi và rút ngắn thời gian thì liệu có thực hiện được không?

“Quy định hời gian điều chỉnh tối thiểu 6 tháng đã có rồi và tương đối hợp lý. Bây giờ rút ngắn xuống 3 tháng là không phù hợp, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện trong tối thiểu 6 tháng còn chưa thực hiện được thì bây giờ thay đổi có hợp lý không”, ông Long bày tỏ.

Đồng quan điểm đã nêu, chuyên gia năng lượng - Đào Nhật Đình cũng cho rằng, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường nhưng hiện Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì EVN không dám tự điều chỉnh giá điện.

“Theo tôi, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Hội đồng năng lượng này cũng hoạt động giống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 3 tháng họp một lần và có thể được quyết định điều chỉnh giá theo quy định”, vị chuyên gia này đề xuất.

Người thuê nhà trọ tại TPHCM được sử dụng điện theo giá gốc

PV Power (POW): Giá bán điện từ dự án 1,4 tỷ USD có thể gần 'chạm trần'

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/van-con-khong-it-ban-khoan-ve-de-xuat-dieu-chinh-gia-dien-3-thang-lan-247793.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vẫn còn không ít băn khoăn về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
    POWERED BY ONECMS & INTECH