Tài chính Ngân hàng

Vàng là tài sản chết, giá liên tục đội đỉnh, mua vào hay đánh cược chờ lao dốc?

Mạnh Hà 22/10/2024 - 06:46

Vàng được nhiều nhà đầu tư huyền thoại coi là “tài sản chết”, không sinh lời. Tuy nhiên, giá vàng đang dồn dập lập đỉnh cao lịch sử. Đây là thời điểm liều mua vàng đón các kỷ lục mới?

Phá vỡ quy luật, giá vàng liên tục lập đỉnh

Giá vàng trong nước và trên thị trường quốc tế tiếp tục sôi sục trong phiên đầu tuần mới. Trong nước, sáng 21/10, giá vàng miếng SJC được Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng thêm 2 triệu đồng/lượng, lên 86 triệu đồng mua vào và 88 triệu đồng/lượng (bán ra).

Vàng nhẫn sáng nay lần đầu tiên vượt mốc 86 triệu đồng/lượng. Tới trưa, vàng nhẫn thương hiệu Doji đã tăng lên 86,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trên thế giới, giá vàng giao ngay sáng 21/10 cũng lập đỉnh cao lịch sử mới, ở mức 2.733 USD/ounce (84,4 triệu đồng/lượng), sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce trong tuần trước.

Như vậy, từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 32,5%, vàng miếng SJC tăng 19%, trong khi giá vàng nhẫn tăng 37,5%.

Giá vàng thế giới cũng như trong nước tăng mạnh dù đồng USD vẫn nhích tăng lên. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - sáng nay tăng lên trên ngưỡng 103,5 điểm, so với mức 100,7 điểm hồi giữa tháng 9.

Dòng tiền vẫn chảy vào vàng mạnh mẽ, kể cả khi đang trú bão ở USD. Thông thường, các loại hàng hóa - trong đó có vàng - sẽ giảm giá khi đồng USD mạnh lên. Quy luật này bị phá vỡ trong vài tuần gần đây.

VangSJC1HH OK.jpg
Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh, vàng miếng SJC lên 88 triệu, vàng nhẫn lập kỷ lục 86,65 triệu đồng/lượng. Ảnh: HH

Liệu có sắp lao dốc?

Một đồng USD mạnh lên nhưng giá vàng vẫn không ngừng tăng và liên tục lập đỉnh cao lịch sử mới. Vậy yếu tố nào khiến giới đầu tư không sợ “bỏng tay” khi đổ tiền vào vàng khi giá đã tăng rất cao? Liệu vàng có sắp lao dốc hay không?

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho giá vàng. Đó là một thế giới đầy bất ổn, từ chính trị cho tới kinh tế. Trong khi giá cả hàng hóa đầu vào leo thang nhiều năm gần đây, chuỗi sản xuất đứt gãy nhiều nơi... thì nhiều quan hệ giữa các nước, song phương và đa phương xấu đi.

Căng thẳng địa chính trị dồn dập leo thang ở nhiều nơi trên thế giới như tại Trung Đông, Ukraine hay bán đảo Triều Tiên. Giới đầu tư chưa thấy điểm dừng cho các căng thẳng này.

Trung Đông đang trở thành một chảo lửa khổng lồ khi Israel mở nhiều mặt trận và có dấu hiệu muốn trấn áp để tạo ra sự ổn định trong khu vực. Gần nhất là một tài liệu mật của tình báo Mỹ bị rò rỉ, trong đó nói về kế hoạch tấn công của Israel vào Iran sau khi Tehran phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel hôm 1/10 và vụ tấn công bằng UAV vào nhà riêng của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 19/10.

Tại Ukraine, Nga đang tiến quân vào Donbass nhanh nhất kể từ tháng 3/2022. Hai bên không ngừng tập kích lẫn nhau bằng lượng lớn UAV tự sát. Truyền thông phương Tây cho biết, Mỹ có thể đồng ý để NATO mời Ukraine gia nhập nếu bà Kamala Harris thắng cử.

Tình hình Triều Tiên cũng rất căng thẳng sau khi hiến pháp Triều Tiên gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” và cảnh báo Tổng thư ký Liên hợp quốc có thể phải chịu trách nhiệm về việc leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, gần đây, có nhiều dự báo cho thấy vàng có thể giảm mạnh, về ngưỡng 2.500 USD. Giới quan sát tin rằng, nếu ông Donald Trump thắng cử, xung đột tại Trung Đông, Ukraine, Triều Tiên sẽ hạ nhiệt.

Cho đến nay, chưa có kế hoạch hay giải pháp cụ thể nào được ông Trump đề cập, nhưng với những quan hệ cá nhân cựu tổng thống Mỹ đã tạo lập với ông Putin hay Kim Jong-un, không ít người tin vào khả năng giải quyết căng thẳng tại các điểm nóng này.

Theo một cuộc thăm dò mới nhất của tờ The Hill, ông Trump lần đầu có tỷ lệ cơ hội giành chiến thắng cao hơn bà Kamala Harris.

Căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt chắc chắn sẽ khiến dòng tiền bớt tìm đến trú kênh trú ẩn ở vàng. Dù vậy, điều đó cũng không có nghĩa là vàng dễ dàng đi xuống.

Có thể có những đợt điều chỉnh, nhưng kinh tế thế giới đang ở trong một giai đoạn vô cùng khó khăn bởi tăng trưởng suy giảm, lạm phát cao nhưng các nước vẫn đẩy mạnh bơm tiền.

Hôm 17/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu năm. Trước đó, ngày 16/10, Thái Lan bất ngờ hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm. Trung Quốc cũng liên tục bơm tiền,... Ông Trump cũng được cho là sẽ đẩy mạnh kích thích kinh tế.

Khi cả thế giới bơm tiền, vàng có thể vẫn là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, một đồng USD còn treo cao sẽ gây áp lực lên vàng. Tốc độ giảm lãi suất của nhiều nước còn nhanh hơn Mỹ. Ông Trump cũng không muốn USD suy yếu quá.

Hơn thế, với mức tăng dữ dội vừa qua, vàng đã bớt long lanh với giới đầu tư. Cho dù nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce vào nửa đầu năm sau, tương đương mức tăng 10%.

>> Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn cùng tăng ‘nóng’

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn cùng tăng ‘nóng’

Giá vàng nhẫn tăng cao nhất mọi thời đại

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vang-la-tai-san-chet-gia-lien-tuc-doi-dinh-mua-vao-hay-danh-cuoc-cho-lao-doc-2333987.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vàng là tài sản chết, giá liên tục đội đỉnh, mua vào hay đánh cược chờ lao dốc?
    POWERED BY ONECMS & INTECH