Đồng ý bán khách sạn Daewoo nổi tiếng bậc nhất tại Hà Nội, tòa nhà Capital Place hay các công ty, nhà máy, khu công nghiệp… để khắc phục hậu quả, nhưng bà Trương Mỹ Lan lại tha thiết xin được giữ lại “Biệt thự Phương Nam”.
Chấp nhận mất hết tài sản để khắc phục hậu quả
Sau gần nửa tháng xét hỏi, ngày 19/3 tới đây, đại diện VKS sẽ tiến hành luận tội đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Trong phần xét hỏi, các bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Đến phần mình, bà Lan khẳng định bà không lấy tiền của Ngân hàng SCB, thậm chí bà còn phải dùng tài sản của gia tộc đưa vào SCB để tái cơ cấu ngân hàng này.
Theo cáo buộc, do sở hữu tới 91,5% cổ phần của SCB, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này nhằm phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình. Hành vi sai phạm của bà đã gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng, cáo trạng quy kết bà sở hữu 91,5% cổ phần của SCB là không đúng, bà chỉ sở hữu 4,9% cổ phần; hai con gái bà mỗi người 5%, số còn lại là cổ đông nước ngoài và bạn bè của bà.
Quá trình điều tra, CQĐT đã kê biên: 1237 bất động sản liên quan trực tiếp tới bà Trương Mỹ Lan; 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (tại tỉnh Quảng Ninh) liên quan tới thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu; các cổ phần tại SCB và những công ty liên quan tới bà Lan như: Công ty CP Vận tải Hàng không Miền Nam, Công ty CP đầu tư Satsco Miền Bắc, Công ty CP địa ốc Đông Á…
22 tài sản gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan cũng bị kê biên.
Tại tòa, dù không nhận tội nhưng bà Trương Mỹ Lan lại đề nghị dùng tài sản là các bất động sản, công ty của mình gồm bất động sản, dự án, cổ phần tại những công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để khắc phục hậu quả.
Một trong những tài sản “khủng” mà bà Lan đồng ý bán là tòa nhà Capital Place ở 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. Bà Trương Mỹ Lan cho biết, con gái bà là Chu Duyệt Phấn đang rao bán tòa nhà này với giá 1 tỷ USD, nếu giao dịch hoàn thành, bà sẽ dùng toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.
Một tài sản khác rất nổi tiếng ở Hà Nội là khách sạn Daewoo. Theo lời khai của bà Lan, Công ty Cổ phần Bông Sen của gia đình bà đang sở hữu phần lớn cổ phần tại khách sạn Daewoo nên bà Lan đề nghị bán khách sạn này để khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng xác nhận với HĐXX về việc hiện bà đang có cổ phần tại một công ty bảo hiểm nước ngoài. Công ty bảo hiểm này là của một tỷ phú Hong Kong mà bà không tiện nói tên, số tiền bà bỏ ra mua cổ phần trị giá khoảng 920 tỷ đồng.
Hiện, giá thị trường số cổ phần này lên tới 5.000 tỷ đồng, bà Lan đồng ý khi bán được sẽ dùng số tiền này để khắc phục hậu quả.
Trước trình bày này của bà Lan, HĐXX thông báo, con gái bị cáo thông tin, số cổ phần này bán chỉ được khoảng 40 triệu USD, tương đương 920 tỷ đồng như thời điểm mua vào.
Bà Trương Mỹ Lan cũng đồng ý chuyển nhượng nhà máy sản xuất vắc xin thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lấy tiền khắc phục hậu quả.
Lý do tha thiết xin giữ lại biệt thự cổ
Ngoài những tài sản trên, bà Trương Mỹ Lan đều chấp nhận chuyển nhượng hết các công ty, nhà máy, các khu công nghiệp, cổ phần ở nhiều công ty để lấy tiền khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, đối với căn biệt thự cổ vốn là di tích lịch sử tại 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), bà Lan lại tha thiết xin giữ lại để cho con gái trùng tu và bảo tồn.
"Tôi xin tòa đừng kê biên tòa nhà này, trả lại cho con tôi và gia đình để cháu nó sửa chữa, bảo tồn di tích lịch sử và văn hoá cho Việt Nam. Gia đình tôi đang sửa chữa 5 năm rồi, mong HĐXX giải tỏa kê biên để tiếp sửa, nếu không sẽ bị hư hỏng”, bà Trương Mỹ Lan khẩn khoản đề nghị.
Theo lời khai của bà Lan, căn biệt thự này gia đình bà mua từ lâu với giá 700 tỷ đồng.
Biệt thự của bà Trương Mỹ Lan trước đây có tên là “Biệt thự Phương Nam”, xây dựng hơn 100 năm trước trên khu đất 2.819 m2 theo kiến trúc Pháp cổ.
Biệt thự cổ trước đây do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu. Năm 2015, bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty Cổ phần MINERVA, mua lại biệt thự cổ này với giá 35 triệu USD, tương đương khoảng 700 tỷ đồng khi đó.
Năm 2019, bà Trương Mỹ Lan đã giao cho Công ty Stonewest Limited của Singapore, trùng tu biệt thự theo nguyên bản để bảo tồn như một di sản về văn hoá, chứng tích lịch sử. Tuy nhiên, ngay sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, nhà thầu thi công xây dựng tại đây đã rút đi.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan chịu 674 tỷ án phí, 5.000 tỷ góp tăng vốn SCB 'không xem xét'
Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa tuyên không có cơ sở để giảm án tử hình, bà Trương Mỹ Lan có còn cơ hội khác?