Chỉ sau 12 giờ làm việc, Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án nhà máy của Foxconn có tổng vốn đầu tư gần 250 triệu USD.
Mới đây, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án Phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố chỉ số và bảng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đó, Đà Nẵng, TP. HCM và Quảng Ninh lần lượt dẫn đầu ở khối các địa phương, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT chiếm vị trí dẫn đầu ở khối các bộ, cơ quan có dịch vụ công.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, khi chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Kết quả, tỷ lệ hộ gia đình ở Quảng Ninh có kết nối cáp quang đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai Internet băng rộng. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Trước đó, ngày 29/6, Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD.
Đáng chú ý, cả 2 dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định.
Theo ông Huy, phía sau kết quả này, Quảng Ninh đã rất chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay trong việc thực hiện chuyển đổi số như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án.
Chỉ sau 12 giờ làm việc, Foxconn quyết định đầu tư gần 250 triệu USD vào Quảng Ninh