Vì sao lỗ hàng tỷ USD nhưng startup bí ẩn vẫn được định giá 300 tỷ USD, trở thành công ty chưa niêm yết đắt giá nhất thế giới?
Dù vẫn đang thua lỗ hàng tỷ USD, một startup công nghệ bí ẩn vừa được định giá tới 300 tỷ USD, vượt cả những tên tuổi đình đám như TikTok.
Sam Altman – CEO OpenAI – không chỉ là biểu tượng mới của Thung lũng Silicon, mà còn là nhân vật đang điều hành một trong những startup công nghệ quyền lực nhất hành tinh, có định giá lên đến 300 tỷ USD, vượt qua cả ByteDance – chủ sở hữu TikTok và chỉ xếp sau SpaceX của Elon Musk.
Vòng gọi vốn vừa khép lại đầu tháng 5 đã đưa OpenAI lập kỷ lục chưa từng có: thu hút 40 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân – lớn nhất lịch sử ngành công nghệ. Trong số đó, Tập đoàn SoftBank của Nhật dẫn đầu với khoản rót vốn khổng lồ trị giá 30 tỷ USD, tiếp đến là các quỹ lớn như Microsoft, Coatue, Altimeter và Thrive Capital. Với cú huých tài chính này, OpenAI chính thức vươn lên vị trí số một trong danh sách các công ty chưa niêm yết có giá trị cao nhất thế giới.
Từ một tổ chức phi lợi nhuận năm 2015, OpenAI đã chuyển mình thành một thế lực AI toàn cầu. Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm sau khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11/2022, công ty đã cán mốc 500 triệu người dùng mỗi tuần, doanh thu năm 2024 đạt 3,7 tỷ USD – và kỳ vọng sẽ tăng lên 13 tỷ USD trong năm 2025.
Altman – người tự mô tả mình đang “làm công việc ngầu nhất và quan trọng nhất trong lịch sử” – đã đưa OpenAI từ phòng thí nghiệm trở thành một trung tâm đổi mới toàn cầu, định hình lại cả ngành công nghiệp công nghệ.
Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang ấy, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về tính bền vững.
Dưới bàn tay của CFO Sarah Friar – cựu CEO của Nextdoor và một vận động viên chèo thuyền tại Đại học Oxford – OpenAI đang nỗ lực cân bằng giữa cơn sốt đầu tư AI và thực tế tài chính khắc nghiệt. Bà Friar có hai nhiệm vụ sống còn: giữ cho tài chính ổn định và tiếp tục thu hút vốn để duy trì tốc độ phát triển chóng mặt của công ty.
Đến nay, OpenAI vẫn chưa có lãi. Dù doanh thu 2024 đã tăng gấp ba, ước đạt 3,7 tỷ USD, công ty có thể ghi nhận khoản lỗ lên tới 5 tỷ USD do chi phí vận hành khổng lồ. Mô hình mới o3 – được Altman quảng bá là “sở hữu trí thông minh cấp thiên tài” – tiêu tốn lượng điện và tài nguyên tính toán khổng lồ. Theo ước tính, mỗi USD huấn luyện có thể kéo theo tới 100 USD chi phí suy luận hàng năm, gấp 25 lần thế hệ trước là GPT-4.
Trong bối cảnh chi phí tăng phi mã, mô hình giá thuê bao cố định dường như đã lỗi thời. Nếu tiếp tục duy trì, OpenAI có thể mất hàng tỷ USD mỗi năm chỉ để duy trì dịch vụ. Còn nếu chuyển sang mô hình tính phí theo mức sử dụng, công ty sẽ phải đối mặt với thách thức thuyết phục người dùng trả thêm cho những công nghệ mà chỉ vài tháng sau đã trở nên lạc hậu.
![]() |
>> Cuộc đấu trí giữa OpenAI và Microsoft trước thềm IPO lịch sử
Điều khiến nhà đầu tư bị mê hoặc bởi OpenAI – chính là tốc độ phát triển không tưởng. Nhưng cũng chính tốc độ đó lại làm lung lay nền tảng tài chính của công ty. Trong khi các đối thủ như ByteDance hay SpaceX xây dựng được mô hình kinh doanh ổn định, OpenAI vẫn đang bơi trong biển chi phí biến động liên tục.
Startup AI Trung Quốc – DeepSeek – mới đây còn ra mắt một mô hình tương đương GPT-4 nhưng rẻ và hiệu quả hơn, lại công khai mã nguồn, làm mờ dần lợi thế cạnh tranh về chi phí và công nghệ của OpenAI.
Chưa kể, cấu trúc tổ chức độc nhất vô nhị của OpenAI – một công ty con vì lợi nhuận dưới quyền kiểm soát của một tổ chức phi lợi nhuận – đang là rào cản lớn cho việc chuyển đổi thành công ty cổ phần để IPO. SoftBank đã cảnh báo có thể rút giảm khoản đầu tư từ 30 tỷ xuống còn 20 tỷ nếu OpenAI không hoàn tất tái cấu trúc trước ngày 31/12 năm nay. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận từ Microsoft và chính quyền bang California – trong bối cảnh còn nhiều kiện tụng từ phía Elon Musk.
Mục tiêu doanh thu 125 tỷ USD và dòng tiền 12 tỷ USD vào năm 2029 có thể khiến nhà đầu tư phấn khích, nhưng trên thực tế, tất cả đều là những dự báo táo bạo trong một thế giới mà AI có thể thay đổi chỉ sau một bản cập nhật.
Dù vậy, sức hút của Altman và ChatGPT vẫn chưa hề giảm. Chàng trai 40 tuổi này vừa tháp tùng cựu Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Trung Đông, vừa điều hành một trong những doanh nghiệp “nóng” nhất hành tinh. Ở Davos, anh được coi là "con cưng" của giới tài chính toàn cầu, còn tại Thung lũng Silicon, Altman là biểu tượng của một thế hệ khởi nghiệp AI mới.
Dẫu chưa có lợi nhuận, OpenAI vẫn là “giấc mơ không tưởng” của các nhà đầu tư. Và Altman, với tham vọng vượt qua cả Elon Musk, vẫn đang từng bước định hình lại tương lai công nghệ của thế giới.
>> Cha đẻ của Chat GPT đưa ra lời khuyên ngắn gọn nhưng thấm thía cho gen Z để không bị thất nghiệp
Cuộc đấu trí giữa OpenAI và Microsoft trước thềm IPO lịch sử
Không phải Sam Altman, đây mới là người hiện thực hóa AGI cho OpenAI