Vì sao ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm nay?
4 năm sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị quay trở lại sau khi hàng triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ, trao cho ông cơ hội thứ hai để lãnh đạo đất nước.
Việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ năm nay được coi là kỳ tích sau thất bại cay đắng trước đối thủ Dân chủ Joe Biden vào năm 2020. Chính khách Cộng hòa này đã từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm và cho đến nay vẫn bị lên án vì vai trò của ông trong các nỗ lực lật ngược kết quả bỏ phiếu thời điểm đó.
Ông Trump cũng phải đối mặt với các cáo buộc kích động vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021, lưu giữ tài liệu mật của chính phủ ở tư dinh tại Florida sau khi mãn nhiệm và dự kiến sẽ ghi dấu ấn trong lịch sử như người đầu tiên từng bị tuyên phạm trọng tội trở thành tổng thống.
Theo giới quan sát, dù là nhân vật gây tranh cãi, nhưng ông Trump cuối cùng vẫn thắng cử năm nay vì một số lí do.
Thông điệp về nền kinh tế tạo sự đồng cảm
Các cử tri rõ ràng đã tập trung vào câu hỏi ông Trump thường đặt ra ở mỗi cuộc mít tinh vận động tranh cử: “Hiện tại bạn có khá hơn so với 2 năm trước không?”. Theo BBC, rất nhiều người đánh giá kinh tế Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump tốt hơn và họ đã chán ngán với việc phải vật lộn mưu sinh trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và giá thực phẩm leo thang. Mặc dù phần lớn nguyên nhân gây ra lạm phát là do tác động từ bên ngoài như đại dịch Covid-19, nhưng họ vẫn đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden.
Các cử tri cũng quan ngại sâu sắc về tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã đạt mức kỷ lục dưới thời ông Biden. Họ thường không bày tỏ quan điểm phân biệt chủng tộc hoặc tin người nhập cư đang ăn thịt thú cưng của người dân như ông Trump từng tuyên bố, nhưng họ muốn việc kiểm soát biên giới mạnh mẽ hơn hiện tại.
Trong khi đó, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm nay đã cam kết sẽ "chấm dứt lạm phát và giúp nước Mỹ trở nên dễ chi trả trở lại". Ông hứa sẽ đưa ra mức lãi suất thấp hơn và cho rằng việc trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ sẽ giảm bớt áp lực về việc làm và nhà ở tại xứ sở cờ hoa. Ông cũng vạch ra kế hoạch thu hút các công ty ở lại Mỹ để sản xuất hàng hóa và tạo ra việc làm cho người lao động trong nước bằng cách áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn.
Khẩu hiệu “nước Mỹ trước tiên” thu hút chú ý
“Nước Mỹ trước tiên” được đánh giá là khẩu hiệu chính sách thực sự gây thiện cảm với đông đảo cử tri của ông Trump. Trong dư luận khắp xứ sở cờ hoa, cả cánh tả và cánh hữu, đã có những lời phàn nàn về hàng tỷ USD chính quyền Biden dành để viện trợ cho Ukraine. Họ cho rằng, số tiền đó tốt hơn nên được chi tiêu ở Mỹ và giúp ích cho cuộc sống của chính người dân nước này.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở nước ngoài cũng như không cử quân đội Mỹ làm nhiệm vụ chiến đấu ở quốc gia khác. Ông đã nhiều lần quả quyết nếu tái đắc cử sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong 24 giờ dù không tiết lộ sẽ đạt được điều đó bằng cách nào.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã hiện thực hóa chính sách đối ngoại “nước Mỹ trước tiên" bằng cách rút đất nước khỏi một số thỏa thuận quốc tế lớn, phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và yêu cầu các đồng minh trong NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng thay vì trông chờ vào sự đóng góp của Mỹ, đồng thời cố gắng đàm phán với một số đối thủ của Washington.
Dù các tác động của chính sách nói trên vẫn còn gây tranh cãi nhưng một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ đồng cảm với quan điểm cho rằng nước này không cần làm “cảnh sát toàn cầu” và chính sách biệt lập về ngoại giao, bảo hộ nền kinh tế trong nước đã phát huy hiệu quả.
Các phát biểu công khai của ông Trump năm nay ám chỉ ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách trên nhằm “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) nếu đắc cử. Ngoài ra, ông còn đề xuất áp mức thuế nhập khẩu mới từ 10-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và thậm chí còn cao hơn nữa với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
Chính sách của đối thủ Harris chưa đủ thuyết phục
Giới quan sát nhận định, một lí do góp phần giúp ông Trump thắng cử là đối thủ - Phó tổng thống Kamala Harris chưa đủ mạnh. Suốt 4 năm làm “phó tướng” cho Tổng thống Biden, bà Harris được đánh giá có màn thể hiện mờ nhạt và không đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.
Một số nhà phân tích nhất trí rằng, các chính sách bà Harris theo đuổi có nhiều điểm tương đồng với ông Biden. Nữ chính khách này đã không thể tách khỏi di sản của chính quyền Biden và không thể thuyết phục được cử tri tin bà có khả năng mang đến sự thay đổi họ đang tìm kiếm trong bối cảnh lo lắng về kinh tế lan rộng.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris đã hy vọng tập hợp được sự ủng hộ từ các nhóm cử tri cốt lõi của đảng Dân chủ, từng giúp ông Biden thắng cử năm 2020 là các cử tri da đen, gốc Mỹ Latinh và người trẻ tuổi. Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò dư luận, bà đã để mất sự ủng hộ của họ, tới 13 điểm với nhóm cử tri gốc Latinh, 2 điểm với cử tri da đen và 6 điểm với cử tri dưới 30 tuổi.
Chuyên gia khảo sát kỳ cựu của đảng Cộng hòa Frank Luntz cũng chỉ ra rằng, bà Harris thất cử còn vì “đã quá tập trung vào việc công kích ông Trump, thay vì chú trọng hơn tới việc đưa ra những chính sách quản lý đất nước và giải quyết các vấn đề có ý nghĩa với người dân”.
>>Trung Quốc và EU có thể thiệt hại nhiều nhất sau khi ông Trump đắc cử