Vì sao số lao động nữ hưởng lương hưu cao hơn nam giới?
Hiện nay số người hưởng lương hưu hằng tháng có tới 55,9% là nữ giới so với lao động nam. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới có sự chênh lệch này?
BHXH Việt Nam cho biết, chính sách BHXH hiện hành cơ bản đảm bảo tính bình đẳng giữa lao động nam và nữ, đảm bảo an sinh cho các đối tượng tham gia.
Trong tổng số khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 55%. Về BHXH bắt buộc, tỷ lệ lao động nữ tham gia chiếm khoảng 55,4%; về BHXH tự nguyện, tỷ lệ lao động nữ tham gia chiếm khoảng 59,3%.
Tương ứng với tỷ lệ nữ tham gia BHXH cao hơn so với nam, tỷ lệ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của nữ giới cũng cao hơn. Thống kê cho thấy, hiện số người hưởng lương hưu hằng tháng có tới 55,9% là nữ.
Theo BHXH Việt Nam, bên cạnh chế độ hưu trí, khi tham gia BHXH, lao động nữ còn được hưởng nhiều chế độ, quyền lợi khác, nổi bật là chế độ thai sản.
Riêng trong giai đoạn 2016-2023, cả nước có 12,8 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản. Bình quân, có khoảng 1,6 triệu lượt người hưởng thai sản/năm, thậm chí có năm ghi nhận số lượt hưởng tăng cao lên đến 2 triệu người (năm 2019).
Riêng năm 2023, đã ghi nhận trên 1,54 triệu lượt người hưởng, tăng 22,2% so với năm 2022.
Nữ giới được nghỉ hưu sớm hơn, tuổi thọ cao hơn lao động nam
Một chuyên gia lao động tiền lương cho rằng, sở dĩ lao động nữ chiếm tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn nam giới một phần do tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sớm hơn nam giới 5 năm. Theo quy định trước đây, trong điều kiện làm việc bình thường lao động nữ 55 tuổi đã nghỉ hưu, trong khi lao động nam phải chờ 60 tuổi mới được nghỉ hưu.
Theo lộ trình tăng tuổi hưu thì tiến tới lao động nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, chênh lệch tuổi nghỉ hưu sẽ rút ngắn xuống còn 2 năm, thay vì 5 năm như trước đây.
“Lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn lao động nam, trong khi tuổi thọ trung bình của nữ lại cao hơn nam, do vậy thời gian hưởng lương hưu của lao động nữ dài hơn lao động nam”, vị chuyên gia lao động tiền lương cho biết.
Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, nhưng phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới (76,1 so với 71,1). Năm 2019, khoảng cách này là 5,3 tuổi (76,3 so với 71).
Chính sách khuyến khích lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện
Tham gia BHXH, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản, được nghỉ trước và sau sinh 6 tháng (nghỉ trước và sau sinh không quá 2 tháng).
Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH. Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động…
Như vậy, đây là chế độ thiết thực đối với lao động nữ. Vì thế, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản dành cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Với việc tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản 2 triệu đồng khi sinh con.
Hiện chính sách BHXH tự nguyện trong luật mới chỉ bao gồm hai chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Điều chỉnh lương hưu và các loại trợ cấp khi cải cách tiền lương
Kiến nghị tăng lương hưu, sửa mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân