Vì sao thực trạng "thong thả đầu năm vất vả cuối năm" xuất hiện ngày càng nhiều?

03-06-2022 10:56|Ngọc Dũng

Mới đây, trong phiên thảo luận về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng "thong thả đầu năm vất vả cuối năm".

Hiện nay, tình trạng "thong thả đầu năm vất vả cuối năm" vẫn diễn ra thường xuyên. Điều chỉnh dự án nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, chất lượng công trình chưa đảm bảo, nhiều công trình, dự án vừa hoàn thành đã phải nâng cấp, mở rộng,… đặc biệt là trong các công trình giao thông vận tải.

Theo ông Dũng, vốn đầu tư công hiện nay đã phân cấp cơ bản đầy đủ, từ lựa chọn dự án, lập dự án, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh vốn, giao vốn, tổ chức đấu thầu giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới như chất lượng và tiến độ trong công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư dự án chưa thật sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, tiến độ phê duyệt các dự án giao các đơn vị kế hoạch vốn chi tiết còn chậm, giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Làm rõ nguyên nhân của những thực trạng này, Bộ trưởng cho rằng có 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, việc lựa chọn dự án xây dựng danh mục và chuẩn bị đầu tư danh mục và chuẩn bị đầu tư còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai là việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ và việc triển khai thực hiện các quy định còn lúng túng.

Thứ ba là năng lực quản lý của các cấp, nhất là Ban quản lý dự án chưa đồng đều và có nơi yếu kém, chậm đổi mới và chưa có hiệu quả. Sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, sâu sát. Vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy.

Thứ tư là các yếu tố bất thường khác và các đặc thù của đầu tư công. Theo Bộ trưởng, trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh đã tác động mạnh đến việc giải ngân đầu tư công, nhất là vào thời điểm áp dụng cách ly, phong tỏa và giãn cách.

Cùng với đó là giá nguyên, nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển tăng cao, việc huy động các lao động, nhà thầu, máy móc, trang thiết bị cũng bị gián đoạn. Công tác thi công và tích lũy khối lượng thường dồn vào cuối năm để nghiệm thu và phụ thuộc vào tiến độ của hợp đồng cũng như tạm ứng.

Bộ trưởng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào làm thủ tục và triển khai các dự án của kỳ kế hoạch trước và theo các quy định của pháp luật liên quan phải thực hiện nhiều thủ tục như thiết kế, dự toán, điều chỉnh…mất từ 6 đến 8 tháng. Do đó, tiến độ giải ngân của khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, giải quyết các tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt mà cần phải giải quyết căn cơ lâu dài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn và phù hợp với yêu cầu phát triển.

Xử lý vướng mắc trong chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp gần 2.200 tỷ đồng của Viglacera (VGC)

Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-thuc-trang-thong-tha-dau-nam-vat-va-cuoi-nam-xuat-hien-ngay-cang-nhieu-129326.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vì sao thực trạng "thong thả đầu năm vất vả cuối năm" xuất hiện ngày càng nhiều?
POWERED BY ONECMS & INTECH