Vì sao ứng dụng Trung Quốc thịnh hành ở Mỹ (bài 2)

02-07-2023 11:12|QUÂN BẢO

Những ứng dụng Trung Quốc mặc dù gặp nhiều điều tiếng về quyền riêng tư hay bảo mật dữ liệu, nhưng người dùng Mỹ vẫn bỏ ngoài tai. Chắc chắn những ứng dụng này có một “hấp lực” rất lớn, đó là gì?

x-enternews-1688130666.jpg

Sau khi thu được thành công đáng kể tại quê nhà, các công ty công nghệ Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng sang các quốc gia khác, trong đó đặc biệt là Mỹ. Sức hút của thị trường Mỹ chính là văn hóa tiêu dùng mạnh mẽ, mãi lực và khả năng chi trả cao hơn.

Để làm được điều này, các công ty công nghệ Trung Quốc đã thực hiện được khá nhiều điều sáng tạo, cả đối nội lẫn đối ngoại, để “xâm chiếm” thị trường nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Điều đáng lưu ý đầu tiên là các ứng dụng Trung Quốc thời gian gần đây bắt đầu nổi tiếng là có giao diện trực quan và thân thiện với người dùng. Từ những năm 2011, các công ty Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của giao diện/trải nghiệm người dùng. Từ đó, tư duy thiết kế ứng dụng bắt đầu chuyển thành tư duy theo kiểu đặt người dùng làm trọng tâm chứ không phải là đặt tính năng làm trọng tâm như trước.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc nhận thức được trong mảng công nghệ cần có cạnh tranh. Vậy nên họ thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự đổi mới, chẳng hạn quy định chống độc quyền và tăng cường giám sát các hoạt động mua bán, sáp nhập giữa các công ty công nghệ.

Không chỉ là cạnh tranh giữa các công ty, mà văn hóa công sở Trung Quốc còn thúc đẩy cạnh tranh trong nội bộ. Tức là các nhóm trong công ty sẽ cùng cạnh tranh giới thiệu những tính năng, thiết kế của mình, và chỉ dự án nào tối ưu (theo đánh giá từ cấp trên) thì mới được đầu tư phát triển đưa vào thực tế. Văn hóa này giúp họ bảo đảm động lực không ngừng cho sự đổi mới, đem đến những tính năng tốt nhất do khách hàng.

Các chiến dịch tiếp thị cũng là một yếu tố quan trọng giúp ứng dụng Trung Quốc bành trướng ở nhiều thị trường. Các ứng dụng Trung thường ưu tiên thu hút khách hàng, tạo dựng thương hiệu hơn so với tối ưu lợi nhuận.

Với Temu, môt trong những chiến dịch thành công nhất chính là chiến dịch tiếp thị với khẩu hiệu quảng cáo “Mua sắm như tỷ phú” (Shop Like A Billionaire Super Bowl) với chi phí khoảng 14 triệu USD. Mặc dù tốn kém, nhưng quảng cáo này khiến nhận thức của người Mỹ về thương hiệu Temu tăng chóng mặt. Nhờ đó, trong quý 1 2023, Temu tăng thêm 10% điểm thị phần, đạt mốc 50%.

Còn Shein tận dụng tiếp thị bằng người có tầm ảnh hưởng (influencer marketing). Họ hợp tác với các influencer, khuyến khích những người này chia sẻ sản phẩm Shein với hashtag #SHEINHAUL trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như TikTok hay Instagram. Hashtag này thu về hơn 10,9 tỷ lượt xem trên TikTok, đóng góp quan trọng trong việc tạo ra nhận thức về sản phẩm quần áo giá rẻ của Shein.

Tương lai

Mặc dù phát triển là vậy, nhưng tương lai của các ứng dụng Trung Quốc ở Mỹ vẫn còn khá mông lung, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung. Các vấn đề tiềm ẩn về quyền riêng tư dữ liệu vẫn liên tục được cảnh báo kèm theo các ứng dụng Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là người dùng lại bất chấp các lo ngại này. Họ chỉ muốn biết liệu ứng dụng đó có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không, thay vì quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Và về mặt mày thì có lẽ các lập trình viên Trung Quốc đã nắm quá rõ, khi ứng dụng của họ vẫn đang liên tiếp phát triển cả về độ phổ biến lẫn khả năng sử dụng.

Ứng dụng Trung Quốc “xâm chiếm” Mỹ (bài 1)

Một công ty Trung Quốc chi gần 140 triệu USD khuyến khích nhân viên sinh con

"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/vi-sao-ung-dung-trung-quoc-thinh-hanh-o-my-bai-2-246690.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vì sao ứng dụng Trung Quốc thịnh hành ở Mỹ (bài 2)
POWERED BY ONECMS & INTECH