Vị tướng duy nhất của QĐND Việt Nam hy sinh ở chiến trường nước ngoài, là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện được phong Anh hùng LLVT Nhân dân

24-04-2024 15:01|Quỳnh Như

Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng về sự cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Thiếu tướng Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Công Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Ông quê ở xã Phúc Lâm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là thôn Phúc Thụy, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội).

Là một thanh niên giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Việt Minh khi còn là học sinh (năm 1945), đến năm 1946 thì nhập ngũ vào Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, khóa I (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), từ đó ông mang tên Kim Tuấn.

Thiếu tướng, Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn (1927-1979). Ảnh: Ban Phụ nữ Quân đội

Thiếu tướng, Anh hùng, Liệt sĩ Kim Tuấn (1927-1979). Ảnh: Ban Phụ nữ Quân đội

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông lần lượt đảm nhiệm các cương vị chỉ huy từ Trung đội, Đại đội... đến Sư đoàn, Quân đoàn, liên tục chiến đấu trên các chiến trường đồng bằng Liên khu 3, Trị - Thiên, Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, lập nhiều chiến công vang dội góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Cuối năm 1978, sau 30 năm ròng rã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trên nhiều mặt trận, Thiếu tướng Kim Tuấn được cấp trên điều động về Bộ Tổng Tham mưu nhận công tác mới. Công việc bàn giao đã xong, ông về TP. HCM chuẩn bị ra Bắc.

Những tưởng từ đây, ông sẽ có những ngày tháng sum vầy bên vợ con, nhưng không, bấy giờ diễn tiến tình hình ở biên giới Tây Nam trở nên căng thẳng và phức tạp hơn bao giờ hết. Là người chỉ huy sáng tạo, giàu kinh nghiệm chiến trường, vị tướng được cấp trên yêu cầu quay lại nắm Quân đoàn. Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, không chút chần chừ, tướng Kim Tuấn lập tức nhận nhiệm vụ.

Trong Chiến dịch Biên giới Tây Nam, Quân đoàn 3 với sự chỉ huy của Tư lệnh – Thiếu tướng Kim Tuấn và Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước là một Quân đoàn chủ lực của quân tình nguyện Việt Nam, góp công rất lớn vào việc giải phóng Campuchia, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn Pol Pot.

Thiếu tướng Kim Tuấn (trái) đang báo cáo tình hình mặt trận tại Campuchia (1/1979) cho Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu/Báo Tuổi Trẻ

Thiếu tướng Kim Tuấn (trái) đang báo cáo tình hình mặt trận tại Campuchia (1/1979) cho Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu/Báo Tuổi Trẻ

Từ ngày 7/1-17/1/1979, Quân đoàn 3 đã tiến hành một cuộc hành quân thần tốc qua các tỉnh Kong Pong Cham, Phnom Penh, Kong Pong Thom, Xiêm Riệp, Bat Tan Bang, Pousat, giải phóng 3/7 quân khu của Pol Pot ở vùng Đông, Tây Bắc và Tây Campuchia (chiếm phần lớn diện tích Campuchia). Trung bình mỗi ngày, cả quân đoàn đi được 100km, đi đến đâu, đánh địch đến đó rồi lại tiếp tục hành quân.

Những ngày cuối cùng của chiến dịch, tướng Nguyễn Quốc Thước đã chỉ huy Quân đoàn hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng ở chiến trường Campuchia: tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của Pol Pot, thu giữ 8 tấn vàng và bàn giao lại toàn bộ cho Campuchia làm tiền đề bắt đầu xây dựng lại đất nước.

Sau chiến dịch cuối cùng này, Quân đoàn 3 trở về Việt Nam, tiếp tục tham gia Chiến tranh Biên giới phía Bắc. Bên cạnh sự tự hào, nỗi đau lớn nhất của những người lính Quân đoàn 3 ở đất Campuchia chính là sự hi sinh của Thiếu tướng – Tư lệnh Kim Tuấn.

Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: Ban Phụ nữ Quân đội

Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: Ban Phụ nữ Quân đội

Vào giữa tháng 3/1979, Bộ Chỉ huy Quân đoàn 3 đóng ở khu vực Bat Tan Bang đã quyết định tổ chức chiến dịch truy quét vào hang ổ cuối cùng của Pol Pot tại vùng Săm Lop – Ta Sanh thuộc dãy núi Kravanh giáp biên giới Thái Lan. Thiếu tướng Kim Tuấn đã quyết định từ Bat Tan Bang trở về Xiêm Riệp để giao nhiệm vụ cho các sư đoàn đóng ở Xiêm Riệp phối hợp tổ chức chiến dịch cuối cùng này.

Ban đầu, tướng Kim Tuấn được đề nghị đi trực thăng, nhưng ông đã quyết định đi đường bộ với lý do muốn tham khảo địa hình trước khi cho các Sư đoàn hành quân. Trên đường đi, đoàn đã bị quân Pol Pot tập kích. Chiếc xe chở Thiếu tướng Kim Tuấn bị trúng một quả B40.

Tư lệnh Kim Tuấn bị chấn thương nặng vùng cột sống. Mặc dù các bác sĩ giỏi nhất được điều đến, tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho ông trong khi chờ đợi máy bay tới đưa về TP. HCM, nhưng do vết thương quá nặng và điều kiện cấp cứu khó khăn nên vị tướng đã trút hơi thở cuối cùng trên chiếc trực thăng UH trở về TP. HCM vào ngày 17/3/1979.

Phút lâm chung của Thiếu tướng Kim Tuấn có ông Khiếu Anh Lân (sau này là Trung tướng) cùng một số đồng đội bên cạnh. Sau này kể lại cho các đồng đội nghe về sự ra đi của vị tướng Tư lệnh này, Trung tướng Khiếu Anh Lân vẫn còn nghẹn ngào, xúc động: “Trên chiếc trực thăng UH, anh Tuấn tỉnh lại. Mình đã mừng, anh choàng tay ôm mình, giọng thều thào: Anh em mình có ai việc gì không? Mình giấu biệt chuyện cậu Hoa, cậu Quân hy sinh và trả lời: Không ai việc gì đâu, anh cứ yên tâm điều trị”.

Rồi ông nói trong cơn thở gấp: “Lần này, có về Hà Nội gắng rẽ qua chỗ bà ấy nhà mình. Nói với bà ấy dạy dỗ các con thành người, xin lỗi bà ấy và các cháu hộ mình. Cho mình… vĩnh… biệt!”

Trong suốt cuộc đời, ông được nhận xét là một người chỉ huy rất thương yêu đồng đội, quan tâm sâu sát đời sống chiến sĩ, nghĩa tình chu đáo với những người sống bên cạnh ông như chiến sĩ nuôi quân, công vụ, văn thư, lái xe...

Khi ở Sư đoàn 320, ông thường đôn đốc cán bộ và quân y chăm lo bữa ăn và uống thuốc phòng sốt rét cho bộ đội, nhiều hôm còn xuống xem bữa ăn của anh em, buổi tối thì cùng y sĩ đi soi đèn pin xem bộ đội ăn nghỉ thế nào. Ở chiến trường, ông được cung cấp nhiều thuốc bổ nhưng lại không dùng mà mỗi lần đến đơn vị công tác, ông thường mang theo số thuốc đó đưa cho bác sĩ để dùng cho thương binh, bệnh binh...

Với gia đình riêng, ông đối xử hiếu thuận với bố mẹ, anh em ruột. Ông là người chồng mẫu mực, người cha hết lòng vì con cái. Những lá thư của ông giúp hai người con luôn tự hào về bố, mẹ, khiêm nhường, sống tự lập, biết đi lên bằng chính đôi chân của mình.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà là con gái đầu lòng của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân, liệt sĩ Kim Tuấn. Ảnh: Viện Y học cổ truyền Quân đội

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà là con gái đầu lòng của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân, liệt sĩ Kim Tuấn. Ảnh: Viện Y học cổ truyền Quân đội

Người con gái đầu lòng của ông từng giữ cương vị Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội, nguyên Trưởng ban Phụ nữ Quân đội. Bà là vị nữ tướng thứ năm của QĐND Việt Nam. Người con trai út của Thiếu tướng Kim Tuấn là Đại tá Nguyễn Công Hiệu từng công tác ở Tổng cục II, Bộ Quốc phòng…

Tướng Kim Tuấn là vị chỉ huy cấp cao nhất của quân tình nguyện Việt Nam hi sinh ở chiến trường Campuchia. Ông cũng là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện Việt Nam được phong Anh hùng LLVT Nhân dân. Trước khi mất, ông đã nhận hết trách nhiệm của vụ tấn công về mình để văn phòng Quân đoàn không bị truy cứu trách nhiệm. Đó là nguyện vọng cuối cùng của vị Tư lệnh Anh hùng của Quân đoàn 3.

Tham khảo:

- Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Vị tướng dũng cảm, nghĩa tình - Báo QĐND

- Vị tướng hi sinh trên chiến trường Campuchia - Báo Tuổi Trẻ

- Bộ đội Việt Nam giải cứu Chủ tịch Quốc hội Campuchia như thế nào? - Báo Dân Việt

- Ai là tướng quân đội trẻ ở tuổi 40 - Báo Tiền Phong

- Vị tướng của chiến trường - Ban Phụ nữ Quân đội

>> Anh hùng không xưng vương xưng đế vẫn được nhân dân tôn xưng là 'Tiên chúa', là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền ngoại giao Việt Nam

Vị tướng trẻ nhất của QĐND Việt Nam: 30 tuổi được phong quân hàm cấp tướng đầu tiên, được Bác Hồ đặt tên từ biệt danh 'mái hiên'

Vị tướng chỉ huy tài ba từng xuất hiện trên tem Bưu chính Việt Nam, là người nước ngoài đầu tiên nhận huân chương cao quý bậc nhất của Chính phủ Campuchia

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-tuong-duy-nhat-cua-qdnd-viet-nam-hy-sinh-o-chien-truong-nuoc-ngoai-la-chi-huy-dau-tien-cua-quan-tinh-nguyen-duoc-phong-anh-hung-llvt-nhan-dan-d121207.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị tướng duy nhất của QĐND Việt Nam hy sinh ở chiến trường nước ngoài, là chỉ huy đầu tiên của quân tình nguyện được phong Anh hùng LLVT Nhân dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH