Vị vua mở đầu cho triều đại lâu dài nhất lịch sử Việt Nam, được đặt tên cho 15 phường, xã
Là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê, ông mở đầu cho một triều đại kéo dài tới 355 năm – lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Theo danh sách đơn vị hành chính của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 15 phường, xã mang tên Lê Lợi. Những địa danh này nằm rải rác tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Bình Định và Kon Tum.
Lê Lợi sinh ngày 6/8/1385, là con trai thứ ba của ông Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Ngọc Thương. Theo ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Vua sinh tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Khi mới sinh, trông vua thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc thật tinh anh, kỳ vĩ: mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, dáng đi như rồng, nhịp bước như hô, tiếng nói như chuông... Bấy giờ, kẻ thức giả đều cho vua là bậc phi thường".

Ông trưởng thành trong thời kỳ nước Việt bị nhà Minh đô hộ. Năm 1418, Lê Lợi phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại ách đô hộ của quân Minh. Dưới sự lãnh đạo kiên cường của ông, sau 10 năm chiến đấu bền bỉ, nghĩa quân đã đánh tan quân xâm lược, mang lại nền độc lập cho dân tộc.
Đến Rằm tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi tại Đông Kinh (tức Thăng Long ngày nay), ban đại xá, lập quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh và lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ. Là vị hoàng đế đầu tiên của triều Hậu Lê, ông mở đầu cho một triều đại kéo dài tới 355 năm – lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Trong thời gian trị vì, vua Lê Thái Tổ đã xây dựng nền tảng vững chắc cho quốc gia: ban hành luật lệ, thiết lập lễ nhạc, tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài, lập quân đội chính quy, sắp xếp bộ máy quan lại, chia lập phủ huyện, phục hồi nền kinh tế, phát triển sản xuất và thi hành chính sách quân điền để phân phối ruộng đất… Những chính sách này đã mở ra một giai đoạn độc lập, tự chủ và phồn thịnh cho Đại Việt – quốc gia phát triển rực rỡ dưới thời Hậu Lê.


Vua Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm, qua đời vào ngày 22 tháng 8 nhuận Âm lịch năm 1433, hưởng dương 49 tuổi. Ghi nhớ công lao của Lê Lai – người từng hy sinh cứu mình ở núi Chí Linh, ông căn dặn hậu thế phải làm giỗ Lê Lai trước ngày giỗ mình một ngày. Từ đó, dân gian lưu truyền câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận xét về ông trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: "Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp".
>> Vị vua duy nhất được đặt tên cho 25 xã, phường của Việt Nam